Phát quang bờ bụi, xác định thời vụ và cây trồng phù hợp, sử dụng giải pháp diệt chuột thông minh... giúp nhà nông ứng phó với chuột, bảo vệ mùa màng.
Ở Việt Nam có tới 43 loài chuột khác nhau. Trong đó, đa số là chuột sống ở rừng (30 loài), còn lại sống ở đồng ruộng và chuột nhà. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã phát hiện 13 loài chuột hại lúa, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM năm 2019.
Cùng với các loài dịch hại khác, chuột là đối tượng gây hại lớn cho ngành trồng trọt. Nhiều cây trồng bị chuột gây hại. Đặc biệt trên cây lúa, chuột gây hại nghiêm trọng nhất. Với đặc tính của loài gặm nhấm, chúng không chỉ phá hoại lúa gạo khi gần tới mùa gặt mà còn gây hại cây giống và phá hủy nông cụ. Hậu quả do chuột gây ra là năng suất, phẩm chất, sản lượng lúa gạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong nhiều năm qua, bà con nông dân đã sử dụng đa dạng hình thức để phòng ngừa chuột cắn phá cũng như diệt chuột. Tuy nhiên, do mực nước lũ ngày càng thấp cùng với quá trình thâm canh cây lúa liên tục đã tạo điều kiện cho chuột phát sinh và gây hại mạnh hơn.
Minh họa cho sự gia tăng của số lượng chuột từ một con theo thời gian.
Điều cần quan tâm trước tiên khi kiểm soát chuột là tiến hành phòng và diệt chuột sớm ngay từ đầu vụ. Việc này cần triển khai đồng loạt, liên tục và đều khắp, có sự tham gia của toàn cộng đồng bao gồm chính quyền và toàn thể nông dân. Nếu trong vụ mùa, chuột đã gây hại lớn trên diện rộng, thì ngay cuối vụ, cần hoạch định ngay kế hoạch trừ chuột cho vụ sau.
Dưới đây là một số giải pháp phòng - trừ chuột hiệu quả, theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp:
Nhà nông nên gieo trồng và thu hoạch đồng loạt. Không nên trồng quá nhiều loại cây trên đồng hay trồng giống lúa quá ngắn ngày. Vì như thế sẽ tạo nơi cư trú an toàn và nguồn thức ăn liên tục cho chuột.
Cần phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, không để ruộng hoang hóa. Tìm và phá ổ chuột ngay từ đầu vụ. Bờ ruộng không nên làm lớn. Sau thu hoạch, nếu có thể, nên dọn sạch rơm rạ, đốt đồng để hạn chế nơi cư trú của chuột.
Thiên địch của chuột có thể là mèo. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững dựa trên sự cân bằng các yếu tố sinh thái.
Việc săn đuổi chuột có thể tiến hành bằng nhiều biện pháp như đào hang, đổ nước, đặt bẫy, xông khói, dùng chó săn...
Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng - trổ để hạn chế chuột làm tổ ven bờ. Lợi dụng nước lớn, gom chuột lên chỗ cao rồi tổ chức săn bắt.
Đặt bả là một trong những phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Khi mật độ chuột gây hại trên đồng ruộng cao, nhà nông có thể đặt trạm mồi trên bờ ruộng, xa bờ khoảng một mét, các trạm cách nhau khoảng 4 - 5 mét. Khi chuột gây hại có mật độ thấp, các trạm bả có thể cách nhau khoảng 10 mét. Mồi dụ chuột có thể là lúa mộng, gạo tấm, khoai mì hoặc các thức ăn chuột ưa thích. Lưu ý, bà con nên sử dụng đồ bảo hộ khi xử lý thuốc trong quá trình trộn và đặt bả.
Hướng dẫn đặt bả chuột tùy theo mật độ chuột. (Ảnh: Hoàng Tùng).
Việc kiểm soát chuột thành công trên đồng ruộng sẽ giúp bảo vệ năng suất, duy tri lợi nhuận ổn định cho người nông dân.
Trước sự biến đổi khí hậu và sâu bệnh ngày càng phát triển, việc duy trì hiện trạng trong nông nghiệp và chuỗi giá trị thực phẩm gặp nhiều thách thức. Nhất là trong giai đoạn cao điểm của vụ lúa năm nay, việc giúp bà con nông dân kiểm soát chuột hiệu quả sẽ giảm thiệt hại đáng kể, bảo vệ năng suất cây trồng, góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Làm tốt ở khâu quản lý dịch hại này, bà con sẽ an tâm về vụ mùa bội thu, thành quả sẽ là các sản phẩm chất lượng, an toàn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ thị trường xuất khẩu.