Những khám phá bạn đã biết?

  •   3,52
  • 2.598

Bạn có bao giờ tự hỏi đâu là nơi khô nhất trên thế giới hay làm sao nhét một trái lê vào trong chai? Kết quả các khám phá khoa học gần đây sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về một số điều kỳ thú trong cuộc sống.

Những khám phá thú vị khiến bạn bất ngờ

Mọi loài vật đều thích ăn đường?

Không. Khẩu vị tùy thuộc chế độ ăn uống của từng loài vật. Càng ít cơ hội ăn đường, loài vật càng không thích đường. Chỉ có loài vật thường xuyên ăn trái cây như khỉ, vượn, cáo, chim ruồi... thật sự nghiện đường. Các loài ăn tạp như gấu, heo rừng, chuột... sẽ không mê mật hay trái chín.

Chó là một trường hợp khác. Vì có “bà con” với chó sói, chó rất thích ăn thịt nhưng cũng không từ chối ăn trái cây, nếu chẳng có gì khác hơn để ăn. Loài ăn thịt sống như cọp hay sư tử nhất định không mê đường. Mèo cũng vậy, nhưng khi liếm một cây kem lạnh, chính mùi sữa hấp dẫn nó chứ không phải đường.

Đâu là nơi khô nhất trên Trái đất?

Hai sa mạc tranh nhau danh hiệu này. Đó là sa mạc Atacama phía bắc Chile, và thung lũng vịnh McMurdo ở Nam cực. Lượng mưa trung bình hằng năm trên thế giới là 15mm, nhưng có một số vùng gần như chẳng bao giờ nhận được mưa hay tuyết. Sự khô hạn của Atacama là do vị trí lọt thỏm giữa dãy núi Andes ở phía đông, ngăn chặn mây và một dãy núi khác cặp bờ biển phía tây không cho phép sương mù Thái Bình Dương tràn vào. Còn thung lũng Nam cực hiếm có tuyết vì gió lạnh thổi dọc theo băng về phía bờ biển làm khô không khí trên đường đi qua. Atacama bị khô hạn từ 20 triệu năm qua, các thung lũng của Nam cực bị khô cách nay 10 triệu năm!

Lực hấp dẫn nhân tạo?

Có nhiều phương pháp tạo được hấp lực giống trọng lực của Trái đất. Kỹ thuật thứ nhất: đẩy con tàu đi với một gia tốc liên tục 10m/s. Hành khách sẽ bị dán chặt vào sàn tàu giống như loại lực dán chúng ta vào thành ghế khi máy bay đường dài cất cánh. Kỹ thuật thứ 2: dùng lực ly tâm.

Trong không gian, chỉ cần quay một con tàu hình trụ xung quanh trục của nó là hành khách có thể được dán chặt vào mặt trong của con tàu. Đó cũng là lực làm cho quần áo bám dính vào chiếc trống quay của bộ phận sấy khô trong máy giặt.

Trị liệu bằng ánh sáng?

Ánh sáng được dùng chữa trị các rối loạn nhịp độ sinh học. Phổ biến nhất là chứng suy nhược theo mùa (xuất hiện trước và sau ngày đông chí là những ngày ngắn ít được mặt trời chiếu sáng nhất) hoặc chứng rối loạn giấc ngủ liên quan đến lệch giờ. Nhiều hoạt động trong cơ thể đi theo chu kỳ của đồng hồ nội tạng như chu kỳ thức ngủ, nhiệt độ cơ thể, sự thèm ăn, tỉ lệ kích thích tố được tiết... nhưng vẫn cần tín hiệu bên ngoài để hoạt động đồng bộ. Chính ánh sáng tự nhiên khi xuyên qua mắt đã biến thành tín hiệu điện, giúp cơ thể hòa nhập nhịp độ ngày - đêm. Liệu pháp ánh sáng (bù đắp sự thiếu hụt ánh nắng) tái tạo sự đồng bộ, bằng cách để bệnh nhân ngồi dưới ánh sáng nhân tạo mỗi ngày, với quang phổ và cường độ có thể điều chỉnh được.

Nước đun sôi có thể uống được?

Không phải lúc nào cũng uống được. Nếu vài phút đun sôi đủ để tiêu diệt phần lớn nấm mốc, tảo độc và virus, nhưng một số vi trùng (như streptocoque...) còn sống đến hơn một giờ trong nước sôi 120oC. Và ngay ở nhiệt độ này, người ta cũng không chắc vô hiệu hóa được một số mầm bệnh như clostridium botulinum có thể gây ngộ độc đến tử vong. Một số nấm độc khác còn sức kháng cự đến nhiệt độ 250oC. Và việc đun sôi chẳng có tác dụng gì với chất độc hóa học.

Có “thang đau đớn”?

Không và có. Vì đau đớn không thể đo một cách tuyệt đối như nghe hay nhìn. Hơn nữa, cảm giác của các loại đau khác nhau, cũng như cường độ, tùy thuộc cảm nhận của từng người. Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe vẫn lập ra một hệ thống xếp hạng đau đớn theo kinh nghiệm.

Khi đó, bệnh nhân cho biết mức độ đau trên một thang chia bậc hay trả lời một loạt câu hỏi để xác định mức độ đau. Khi bệnh nhân không thể diễn tả, bác sĩ đánh giá mức độ đau tùy theo độ nhăn mặt hay sự vặn vẹo của cơ thể.

Làm sao nhét một trái lê vào trong chai?

Cái chai được thổi thành hình chung quanh trái lê? - Làm gì có chuyện đó!

Thật ra, người ta đặt quả lê vào trong chai khi trái lê còn nhỏ xíu. Phương pháp này bảo vệ trái lê khỏi bị sâu và cũng được áp dụng cho nhiều loại trái khác như táo, nho, mận...

Nếu Mặt trăng biến mất?

Ban đầu chỉ có dân miền duyên hải biết sự thay đổi này: không còn sóng lớn vì không còn sức hút của Mặt trăng, thủy triều vẫn hoạt động (tác động của Mặt trời) nhưng giảm 2/3 sức mạnh.

Mặt trăng giúp duy trì nghiêng 23 độ của trục quay Trái đất, và nhờ đó có các mùa liên tiếp. Khi không còn Mặt trăng, Trái đất có thể sẽ nghiêng 85 độ trong vài trăm triệu năm. Chuyển động lộn xộn như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn lên sự phân bổ và tồn vong của các loài sinh vật.

Vì sao có quầng thâm dưới mắt?

Do máu lưu thông không tốt trong các tĩnh mạch quanh mắt. Mệt mỏi, uống rượu, vệ sinh không đúng cách đều làm cho mạch máu lưu chuyển hồng cầu bị co cụm. Khi đó màu đỏ sậm tích tụ dưới mắt và có thể nhìn thấy được vì da chỗ này rất mỏng.

Còn những vết nhăn quanh mắt là do thiếu collagène - chất protein sợi bảo đảm tính đàn hồi của da. Với sự mệt mỏi, hoạt động của tế bào giảm ở lớp biểu bì, dẫn đến giảm sút lượng collagène. Càng nhìn thấy rõ với lớp da mỏng dưới mi mắt.

Chất nào ổn định nhất trong vũ trụ?

Sắt. Vào giai đoạn hình thành, các ngôi sao tạo khí helium từ sự nóng chảy của các nhân hydro. Khi cạn kiệt, helium phản ứng tạo ra carbon và oxy. Sự nóng chảy tiếp tục và tạo ra clo, potassium, calci, titan, silicium... đến chất sắt. Và khi chỉ còn sắt, ngôi sao sẽ lụi tàn vì việc sắt nóng chảy cùng với các nguyên tử khác đòi hỏi năng lượng, nhưng sao lại không còn năng lượng để cung cấp. Tiến trình biến đổi này sẽ dừng lại ở chất sắt và gây sự bùng nổ tạo một sao mới (siêu tân tinh).

Theo C5M, Tuổi trẻ
  • 3,52
  • 2.598