Phóng sinh là gì? Tại sao phải phóng sinh? Ý nghĩa của việc phóng sinh và phóng sinh như nào cho đúng là những điều nhiều người quan tâm khi thực hiện nghi lễ phóng sinh, bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc trên, mời các bạn cùng tham khảo.
Phóng sinh là giải phóng những con vật bị nhốt và sắp bị đem giết chết để lấy thịt. Do lòng từ bi thúc đẩy ta có thể bỏ tiền mua những con vật sắp bị giết oan để thả cho chúng tự do nhờ đó tạo được phước, cũng như gặp nhiều may mắn ở đời.
Phóng sinh cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ đau, sợ hãi khi bị giam nhốt trong chậu, lồng, nhà giam hoặc đang bị tra tấn hành hạ sắp bị giết… bằng tâm bồ đề thì ta dùng mọi phương tiện có thể mang lại sự sống, sự bình an cho tất cả chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng.
Ý nghĩa của việc giải phóng loài vật cũng giống như việc phóng thích những tội phạm bị giam trong lao ngục lâu ngày và có cơ hội tốt để họ tìm thấy lại được sự tự do. Mặt khác, phóng sinh còn nói lên một khía cạnh tinh thần của lòng từ bi bao la không phân biệt giữa người và vật. Phóng sinh là việc làm thể hiện lòng từ bi mong muốn đem an lạc hạnh phúc đến cho tất cả chúng sanh.
Rằm tháng Bảy, nhiều người tổ chức lễ phóng sinh để cầu nguyện cho gia đình, thân quyến. Ở nhiều chùa, chim cá vừa được thả ra, ngay lập tức có người bắt, vớt trở lại để bán tiếp. Phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy tội trước mắt!
Chị Quỳnh Liên (Tp.HCM) kể, mấy hôm trước chị theo bạn đi phóng sinh ở chùa Diệu Pháp, thấy cảnh bạn thả cá phía trước, phía sau có người đi theo vớt, rồi lại mang bán cho hàng cá trước cổng chùa, rồi người khác lại mua thả, rồi lại vớt... Chị cứ băn khoăn tự hỏi "hành động phóng sinh như thế, còn ý nghĩa gì?".
Đây là ý nghĩ rất tiêu cực gây cản trở sự khởi phát của tâm từ bi. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh sẽ tự có ác báo của nó. Phóng sinh tự có thiện báo của phóng sinh. Chúng ta thực hành thiện nghiệp của mình còn kẻ khác tạo ác nghiệp của chính họ. Mai sau quả báo hiện tiền thiện ác nhân quả báo ứng tuyệt đối không bao giờ sai được.
Những con chim phóng sinh bị chết.
Nhiều người lên chùa còn chứng kiến hiện tượng người bán chim phóng sinh cắt cụt cánh chim, làm cho chim yếu rồi đem bán cho khách đi chùa làm lễ phóng sinh. Nhưng số con bay được thì ít mà số con chết hoặc bị bắt trở lại thì nhiều. Trước những hình ảnh phản cảm đó có rất nhiều ý kiến phản đối nhưng tình trạng này vẫn diễn ra nhất là dịp lễ, Tết và Rằm tháng Bảy ở nhiều nơi.
Tiến sĩ Phật học, sư cô Nguyên Hương cho biết, việc bắt chim, đánh cá vì mưu sinh là việc làm không có lựa chọn khác cho một số người. Họ vì nghề nghiệp kiếm ăn và nuôi sống gia đình mà làm... nhiều khi miễn cưỡng. Nhưng những người chờ sẵn để bắt những con cá, con chim phóng sinh để trục lợi thì đó là việc làm tham lam và thiếu hiểu biết trầm trọng, có thể gọi là ác nghiệp.
Theo TS. Nguyên Hương, người đi chùa hay có ý định làm lễ phóng sinh không nên mua từ những người này, không được tiếp tay cho những kẻ cơ hội trục lợi từ hành động mang tính từ bi của mình. Đức Phật khuyên mọi người làm gì cũng nên xuất phát từ cái tâm và phải có hiểu biết đúng đắn.
Trong đạo Phật phát triển sau này, phóng sinh chỉ là một phương tiện để tu tập. Về mặt hình thức phóng sinh có nghĩa là mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sinh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con chim, con cá đem đi phóng sinh. Hiểu như vậy là rất hình thức và thô thiển.
Nhiều người hiểu nhầm nghi lễ phóng sinh như hiện nay là làm theo lời Phật dạy. Nhưng thực chất, đây là một nghi lễ xuất hiện sau này, ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc vì người Trung Quốc một thời coi trọng lễ nghi. Đạo Phật khi vào Trung Quốc cũng phải dùng phương tiện, nghi lễ đó để chuyển tải thông điệp từ bi và tôn trọng sự sống muôn loài. Nhưng do người đời vì ít suy nghĩ sâu xa, chỉ sao chép nghi lễ hình thức mà quên mất ý nghĩa thực sự của hành động.
Hãy để các loài vật được tự do.
Vậy nên hiểu về phóng sinh thế nào cho đúng? Có nên phóng sinh hay không? Sư cô Nguyên Hương cho biết: “Thay vì phóng sinh theo kiểu nghi lễ, chỉ nên phóng sinh tùy duyên, nghĩa là thấy chúng đang gặp nạn thì cứu giúp ngay khi đó. Ví dụ như việc giúp một chú chó bị dính băng dính vào miệng đến hoại tử trong thời gian qua, giúp một con chim sập bẫy đang đau đớn, mua một con thú rừng bị bắt để trả lại sự sống cho nó…Những trường hợp khẩn cấp như vậy, chúng ta phải hành động ngay chứ không cần phải đem vào chùa làm các nghi lễ, hình thức”.
Theo TS. Nguyên Hương, khi cứu giúp một chúng sinh nào đó, người có tâm cũng phải làm hết sức lặng lẽ và tế nhị. Chọn nơi vắng vẻ, hay môi trường thích hợp với con vật mình định cứu giúp. Nơi đó con vật phải có cơ hội để sinh tồn và sống sót.
Làm bất cứ việc gì cũng nên đặt cái tâm và sự hiểu biết vào đó chứ không nên làm theo phong trào. Có nhiều người đã bỏ tiền triệu để mua chim phóng sinh nhưng lại cổ vũ việc ăn thú rừng, chim chóc, động vật quý hiếm khác...
“Chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm thiện, thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh, chúng ta có thể tới thăm và tặng quà cho những cụ già neo đơn hay trẻ mồ côi và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác khi có cơ hội”- TS. Nguyên Hương cho biết.
Phóng sinh không cần quá cầu kỳ: Nhiều người quan niệm, trước khi phóng sinh cần phải lễ, tụng niệm thì mới được phước báu. Vậy nếu không lễ, niệm thì phóng sinh có được công đức gì không?
Chúng ta khi phóng sinh cũng đơn giản lắm, không cần phải làm cái gì cầu kỳ, không phải có hương phải cắm vào con vật mới phóng sinh được đâu. Cái hương nó không quan trọng gì việc đó. Có nhiều người muốn đi phóng sinh lại chưa biết mua hương ở đâu, thế là cứ đợi đến lúc mình mua hương xong thì con vật nó chết mất rồi.
Khi phóng sinh, chúng ta không nhất thiết phải đến chùa để quý Thầy chú nguyện, các Phật tử có thể tự làm được việc này. Các Phật tử có thể đọc: “Các chúng sinh đây phát tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” hoặc niệm danh hiệu Phật “Nam mô A Di Đà Phật”, “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” khoảng 10 lần để gieo duyên Phật Pháp cho các con vật đó.