Trong tháng 3 năm nay, trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc sẽ rơi xuống Trái đất nhưng không biết chính xác nó rơi xuống đâu. Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên thế giới chứng kiến vệ tinh rơi không xác định như vậy.
Trạm vũ trụ Skylab - (Ảnh: NASA).
Skylab là trạm không gian đầu tiên của Mỹ được phóng vào không gian ngày 14/5/1973 và được giao thực hiện những nhiệm vụ đến hơn 50 năm mới quay về.
Tuy nhiên chỉ đến năm 1979, Skylab đã phải trở về trái đất.
Vài giờ trước khi rơi, các nhà khoa học của NASA cố gắng điều chỉnh hướng bay của Skylab tránh rơi vào khu dân cư.
Họ tính toán Skylab sẽ rơi vào phía nam đông nam của Cape Town, Nam Phi, nhưng những mảnh vỡ của nó lại rơi xuống miền đông thành phố Perth, Tây Úc và khu vực Ấn Độ Dương.
May mắn không có thương vong. Tuy nhiên chính phủ Úc bấy giờ đòi Mỹ bồi thường… 400 USD để thu dọn các mảnh vỡ.
Pegasus 2 của NASA - (Ảnh: NASA).
Vệ tinh được NASA đưa lên quỹ đạo từ năm 1965 nặng 11,6 tấn và nằm trong chương trình nghiên cứu sự tồn tại của những thiên thạch siêu nhỏ bay xung quanh quỹ đạo Trái đất.
Đây là vệ tinh thứ 2 trong 3 vệ tinh đảm nhiệm chương trình này của NASA.
Pegasus 2 thu thập dữ liệu và gửi về nhà trong vòng 3 năm, sau đó ngừng hoạt động nhưng vẫn duy trì được quỹ đạo cho tới 11 năm sau và vào ngày 3-11-1979 mới quay trở về Trái đất.
Các mảnh vỡ của nó được ghi nhận lao xuống giữa Đại Tây Dương.
Hiểm họa phóng xạ hạt nhân từ tai nạn của Kosmos 954.
Với trọng lượng 3,8 tấn, vệ tinh được phóng lên năm 1977 nằm trong chương trình theo dõi hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Điều đặc biệt là không cần các tấm pin năng lượng mặt trời, Kosmos 954 có hệ thống lò phản ứng hạt nhân cung cấp nhiên liệu cho quá trình hoạt động. Đây là mối đe dọa lớn khi rơi xuống Trái đất.
Ngày 24/1/1978, Kosmos 954 quay trở lại khí quyển Trái đất hướng về miền đông bắc Canada.
Chính quyền Liên Xô lúc bấy giờ khẳng định vệ tinh đã bị bốc cháy hoàn toàn trước khi rơi xuống đất nhưng ngay sau đó những mảnh vỡ đã được tìm thấy trên lãnh thổ Canada trong khoảng cách 600km từ hồ Slave Lớn và hồ Baker.
Các mảnh vụn chứa phóng xạ lan trên một khu vực rộng lớn khiến chính phủ Canada yêu cầu Liên Xô bồi thường 6 triệu USD để dọn dẹp và khắc phục hậu quả nhưng Liên Xô chỉ đồng ý đưa 3 triệu USD.
Kosmos 954 không phải là vệ tinh đầu tiên rơi trong chương trình này của Liên Xô. Trước đó, một vệ tinh phóng năm 1973 đã rơi xuống khu vực Thái Bình Dương, trong khi Kosmos 1402 cũng rơi xuống nam Đại Tây Dương vào năm 1983.
Poster bộ phim tài liệu về Salyut 7.
Salyut 7 được Liên Xô đưa vào không gian năm 1982 trong chương trình xây dựng 9 cảng vũ trụ cho những vệ tinh khác.
Salyut 7 dài khoảng 16m và rộng 4,15m tại điểm rộng nhất. Tổng khối lượng của vệ tinh này ước tính vào khoảng 22 tấn.
Trong 9 năm hoạt động, có 6 phi hành đoàn khác nhau làm nhiệm vụ bên ngoài không gian trên Salyut 7.
Ngày 11-2-1985, Salyut 7 đột nhiên mất tín hiệu với đất liền đồng thời các hệ thống trên tram dừng hoạt động. Liên Xô sau đó đã cử một tổ đặc nhiệm sửa chữa cho trạm và trạm hoạt động trở lại bình thường.
Đến những năm cuối thập niên 1980 bắt đầu diễn ra quá trình lệch quỹ đạo của Salyut 7. Cuối cùng, đến ngày 7-2-1991, trạm mất kiểm soát và bắt đầu rơi xuống Trái đất.
Các mảnh vỡ của nó được xác định rơi xuống Argentina, trong đó một vài mảnh thiết bị cháy dở được phát hiện ở thị trấn Capitan Bermudez nhưng không có thương vong.
Vệ tinh Rosat mang vũ trụ lớn - (Ảnh: DLR.de).
Rosat được phóng lên quỹ đạo tháng 6/1990 mang theo một kính thiên văn khổng lồ, là công trình chung của các nhà khoa học người Đức, Mỹ và Anh.
Nhiệm vụ của kính thiên văn này dùng để khảo sát không gian bằng tia X đồng thời ghi lại hình ảnh của tất cả các vật thể trong không gian phát ra tia phóng xạ này.
Dù được giao nhiệm vụ chỉ 18 tháng nhưng thời gian Rosat hoạt động đã lên tới 9 năm.
Lúc quay về Trái đất, các nhà khoa học tính toán khối lượng lên đến 2.400kg của nó không thể nào cháy hết trong khí quyển. Những mảnh vụn có thể đến 400 nhiều khả năng gây nguy hiểm con người trên mặt đất.
Ngày 23/10/2011, các nhà khoa học ghi nhận Rosat quay về Trái đất trên bầu trời thuộc vịnh Bengal, Ấn Độ.
Tuy nhiên vẫn chưa có xác nhận liệu những mảnh vỡ có đến được Trái đất hay không.
Vệ tinh UARS của NASA - (Ảnh: NASA).
Vệ tinh theo dõi tầng khí quyển nặng 6,5 tấn với chiều dài 10,7m, rộng 4,5m được tàu con thoi Discovery của NASA đưa lên quỹ đạo tháng 9/1991.
Nhiệm vụ của vệ tinh có giá 750 triệu USD này là nghiên cứu tầng khí quyển Trái đất trong vòng 14 năm đến tháng 12-2005 ngừng hoạt động do hết nhiên liệu.
NASA nhận định UARS sẽ vỡ thành hơn 100 mảnh trong quá trình rơi, hầu hết các mảnh vỡ sẽ cháy hết do ma sát với không khí.
Hơn 20 mảnh còn lại sẽ rơi khắp một khu vực có chiều dài 1.000-2.000km và rộng 400-500km, tuy nhiên sẽ không rơi ở khu vực Bắc Mỹ.
Các nhà khoa học lo rằng UARS sẽ rơi vào đất liền và những vùng đông dân cư, trong đó Việt Nam cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Cuối cùng nó rơi vào vùng xa xôi ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên UARS không là gì nếu so với trạm không gian Skylab rơi không kiểm soát vì Skylab nặng gấp 15 lần UARS.
7 thành viên trong đội bay xấu số trong lần bay thứ 28 của Columbia - (Ảnh: NASA).
Tàu con thoi Columbia là tàu đầu tiên trong phi đội tàu con thoi của NASA có khả năng bay lên vũ trụ và được phóng lần đầu vào năm 1981.
Vào ngày 1/2/2003, tàu Columbia nổ tung trong chuyến bay thứ 28 làm bộ 7 thành viên phi hành đoàn tử nạn.
Kết quả điều tra cho thấy lá chắn nhiệt bên cánh trái tàu Columbia bị hư chính là nguyên nhân gây ra tai nạn thương tâm.
Mảnh xốp cách nhiệt từ bình nhiêu liệu rơi ra trong quá trình cất cánh gây thủng một lỗ lớn bên cánh trái con tàu làm cho khí nóng tràn vào bên trong quá trình chuyển động.
Những mảnh vỡ của phi thuyền nặng hơn 100 tấn rơi rải rác ở miền đông bắc bang Texas, Mỹ.