Những người mắc HIV có thể sống nhiều năm nếu được dùng thuốc nhưng bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì gần như nhận bản án tử.
Không giống các loại virus khác như viêm gan A, B, C... có thể ở trong cơ thể người nhiễm suốt 15 năm mà không có bất cứ triệu chứng nào, virus Ebola với triệu chứng bao gồm xuất huyết ở miệng và hậu môn, có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vài ngày.
Một giáo sư dịch tễ học và khoa học sức khỏe cộng đồng tại Đại học Ilorin, bang Kwara (Nigeria), Tanimola Akande, miêu tả virus Ebola - loại virus đang tàn phá Guinea, Sierra Leone, Liberia và làm chết một y tá ở Nigeria, là thách thức lớn nhất đối với sức khỏe của các tiểu vùng hiện nay.
Akande nói rằng cơ chế lan truyền bệnh là một lý do chính khiến Ebola thành loại virus nguy hiểm nhất. "Ebola không có cách chữa không phải là lý do nó nguy hiểm. HIV cũng chưa có cách chữa nhưng nó chưa giết hết các nạn nhân nếu biết kiểm soát đúng cách. Ebola nguy hiểm hơn vì nó rất dễ nhiễm. Nó nằm trong tất cả các dịch cơ thể của người nhiễm bệnh và lây lan thông qua nước bọt, máu, mồ hôi, tinh trùng, chất thải, các mô cơ thể. Nó có thể bị nhiễm từ việc chạm vào các bề mặt người nhiễm bệnh từng đụng vào", ông nói.
Ảnh: wunc.org
Ngoài ra, vật chủ tự nhiên của Ebola là dơi quạ ăn trái, tinh tinh và các động vật rừng khác được nhiều người dùng làm thức ăn hằng ngày. Bạn có thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc với máu của động vật nhiễm bệnh. Bất cứ loại virus nào có thể nhiễm qua thức ăn đều tiềm ẩn lấy đi nhiều sinh mạng.
Bệnh do virus Ebola còn rất khó nhận biết triệu chứng vì nó gần giống với các bệnh thông thường khác như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt thương hàn... Nhiều nhân viên y tế có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh này mà không biết.
"Khi một bệnh nhân tới bệnh viện và kể các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ... bác sĩ có thể không đeo găng tay hay bảo hộ lúc điều trị cho họ và bạn nhiễm bệnh trước khi biết nó là Ebola", bác sĩ Akande nói.
Để ngăn chặn việc truyền bệnh, Akande khuyến cáo người Nigeria ngừng ăn thịt cũng như rửa sạch tay và trái cây trước khi ăn. Ông cũng khuyên các nhân viên y tế luôn mặc đồ bảo hộ khi khám và điều trị cho bệnh nhân.
Con người từng sợ hãi trước HIV/AIDS, nhưng Ebola còn nguy hiểm hơn HIV/AIDS. Những người mắc HIV có thể sống nhiều năm nếu được dùng thuốc nhưng bất cứ trường hợp nào tiếp xúc với người nhiễm Ebola thì gần như nhận bản án tử vì virus này không có văcxin và thuốc phòng. Cách tốt nhất có thể làm chỉ là cố gắng giảm nhẹ bệnh.
- Tỷ lệ sống sót thấp: Cơ hội sống sót gần như bằng 0, đặc biệt ở châu Phi. Nó giết 90% số người nhiễm. Cái chết là chắc chắn nếu bệnh nhân bị chảy máu. Gây chảy máu là "thương hiệu" của Ebola.
Từ quan điểm y tế, bất cứ ai nhiễm bệnh này đều nên bị cách ly - để đợi cái chết. Nó giết người nhanh hơn AIDS và gây kịch tính không kém. Người chết không thể được chôn theo cách thông thường vì bệnh nhân còn sống hay đã chết đều có khả năng truyền bệnh.
- Hầu như không có cách chữa: Hiện nay chưa có thuốc hay biện pháp điều trị hoặc văcxin để ngừa bệnh. Có 4 loại virus khác nhau gây bệnh này. Có một vài loại thuốc cho các bệnh nhân HIV/AIDS để giúp họ kéo dài sự sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cách điều trị được dùng cho bệnh Ebola chỉ là để người bệnh ra đi đỡ đau đớn và thanh thản hơn. Thuốc kháng virus không có giá trị gì.
- Rất dễ lây: HIV/AIDS lây qua tiếp xúc máu hay quan hệ tình dục, Ebola chỉ cần tiếp xúc với cơ thể nhiễm bệnh. Nguy cơ nhiễm HIV cao nhất là ở người bán dâm và đồng tính nam, còn người có nguy cơ nhiễm Ebola cao nhất lại là nhân viên y tế, người thân và bạn bè của người bệnh. Thợ săn khỉ, dơi và những người hay ăn thịt cũng cần cẩn thận.
- Bạn không có cách cụ thể nào để bảo vệ chính mình: Có vài cách để ngừa HIV/AIDS. Cũng có một số cách để phòng bệnh sốt rét nhưng không có cách nào cụ thể, rõ ràng để ngăn ngừa Ebola. Bạn được khuyên là rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước, tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh (và các chất tiết, máu của họ), tránh tiếp xúc với những người đã tiếp xúc với người bệnh. Tất cả cách phòng bệnh chỉ bằng việc vệ sinh.
Có 5 tuýp virus Ebola. Loại gây dịch hiện nay (Zaire ebolavirus) gây tử vong cho gần 80% trường hợp mắc. Một trong những lý do chính khiến virus Ebola đặc biệt nguy hiểm là chúng dường như có khả năng tránh được hệ thống miễn dịch của con người. Trong số các vấn đề khác, tế bào bạch cầu từ hệ thống miễn dịch thường thường chết dần chết mòn ở các bệnh nhân Ebola. Nếu cơ thể hoàn toàn không thể kháng cự, virus sẽ tiếp tục tấn công rộng hơn.
Yếu tố xã hội và chính trị cũng góp phần vào thảm họa Ebola hiện tại. Đây là lần đầu dịch Ebola lớn bùng phát ở Tây Phi, nhiều nhân viên y tế ở khu vực này chưa từng có kinh nghiệm hay được đào tạo cách bảo vệ chính mình hay chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, người dân ở các nước này có xu hướng di chuyển nhiều hơn vùng Trung Phi (nơi hay có dịch xảy ra), khiến virus phân tán về mặt địa lý và gây khó khăn cho việc theo dõi những người có thể đã nhiễm bệnh.
Trong khi đó, kỳ thị xã hội và sự nhận thức kém có thể khiến nhiều người không đi khám chữa (thậm chí cố tránh né). Một số người tiếp xúc trực tiếp với xác bệnh nhân khi tổ chức đám tang hoặc chuẩn bị cho việc chôn cất cũng có thể làm lây lan bệnh, một bài xã luận trên tạp chí y học Lancet cho hay.
Theo tờ New York Times, ở các nước đang có dịch, một số người lo ngại các nhân viên y tế đã gây ra Ebola và đã đe dọa họ bằng dao, đá... hay dùng thái độ thù địch bao vây xe của y, bác sĩ... Nhóm nhân đạo Các bác sĩ không biên giới cũng ghi nhận 12 làng ở Guinea có Ebola nhưng không an toàn cho nhân viên y tế. Ở Sierra Leone, nổ ra cuộc biểu tình chống lại một bệnh viện khiến cảnh sát phải sử dụng tới hơi cay. Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Liberia cho thấy, vấn đề theo dõi sự tiếp xúc của bệnh nhân với người khác cũng gặp khó khăn vì tồn tại sự kháng cự, bất hợp tác trong cộng đồng. Không có đủ các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý dữ liệu yếu, chỉ đạo và phối hợp kém cũng làm dịch thêm nặng nề.
Sự đáng lo ngại của dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không chỉ vì số lượng nhiều người mắc nhất và nguy hiểm nhất mà còn bởi nhiều nhân viên y tế đã mất mạng khi chăm sóc người bệnh.
Đến nay, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), số nhân viên y tế chết trong dịch Ebola là 60 người. Ở đợt dịch lớn thứ hai trong lịch sử, xảy ra năm 1976 tại Zaire, chỉ có 11 nhân viên y tế chết. Đó là ổ dịch đầu tiên trong lịch sử, khi các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan virus còn chưa được thiết lập.
- Năm 1976, số người chết là 280 trong tổng số 138 trường hợp được báo cáo. Năm 2014 đã có 729 người chết trong số 1.323 trường hợp ghi nhận. Như vậy, con số tử vong do Ebola năm 2014 cao gấp hơn 4 lần năm 1976.
- Khu vực địa lý phân tán rộng hơn: Trước đây dịch chỉ xảy ra ở một khu vực xa xôi. Hiện nay, Ebola đã phát tán ở cả thành thị và nông thôn các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria. Vì vậy số người bị ảnh hưởng lớn hơn hẳn và vì thế tỷ lệ nhân viên y tế chịu tác động đáng buồn cũng cao hơn.
- Thiếu trang thiết bị y tế: Các nhân viên y tế được khuyên phải đeo mặt nạ, kính, áo choàng, găng tay khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm Ebola. Nhưng vấn đề là y bác sĩ làm việc tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những người làm việc ở các nước nghèo nhất trên trái đất - nơi dịch đang diễn ra - không phải lúc nào cũng được tiếp cận với các đồ bảo hộ lao động này. Bởi thế, họ có thể bị lây và chết. Trong số các trường hợp y bác sĩ đã chết không có người nào từ nước ngoài. Các tổ chức cứu trợ nước ngoài như Tổ chức bác sĩ không biên giới áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt cho tất cả các nhân viên nên không bị tổn thất người nào.
Ngay cả khi các nhân viên y tế ở những nước có dịch được phòng ngừa và trang bị đầy đủ từ lúc Ebola bắt đầu thì họ vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Ở thời điểm đó, các y bác sĩ không biết virus chết người này ẩn náu trong những bệnh nhân của họ, đặc biệt là những người có biểu hiện bệnh chỉ như cảm cúm thông thường.
Virus Ebola gây ra bệnh hiện nay đã được biết đến trước đó và không có thay đổi đáng kể, so với khi được phát hiện lần đầu năm 1976.
Một số loại virus có thể thay đổi đáng kể qua các năm, bao gồm virus cúm và virus SARS. Trong trường hợp này, các chuyên gia y tế dự phòng luôn xem xét xem có gì biến đổi với cơ chế tấn công khác của virus không. Nhưng Ebola không nằm trong số này.
Không thể xác định ai có thể mắc Ebola từ cách đơn giản như đi chung máy bay hay ở một không gian công cộng với người mắc bệnh. Bởi vì Ebola không lưu thông trong không khí như virus cúm hay các bệnh đường hô hấp khác.
Để mắc Ebola, bạn phải tiếp xúc với dịch cơ thể (như mồ hôi, chất nôn, máu, nước tiểu, tinh dịch) của người bệnh, cả còn sống và đã chết. Ebola có thể sống trên một bề mặt ít nhất 7 ngày, bạn có thể tiếp xúc với mầm bệnh nếu chạm vào giường hay các đồ dùng có chứa dịch từ cơ thể người bệnh. Sau đó, bạn có thể đưa virus vào cơ thể khi chạm tay vào đồ ăn và ăn.
Khi có các triệu chứng bệnh như sốt, đau người hay nôn mửa, người mắc Ebola có thể truyền bệnh. Không có chuyện người lành mang mầm bệnh và lây bệnh bệnh cho người khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh sớm khó phân biệt, thường giống các bệnh khác như cúm và tiêu chảy. Một số triệu chứng phổ biến hơn của Ebola như chảy máu từ các lỗ hở trên cơ thể thường không xảy ra cho đến giai đoạn sau và đôi khi không có.
Dịch Ebola hiện tại có tỷ lệ sống khoảng 40% và chăm sóc y tế tốt có thể giúp bệnh nhân vượt qua bệnh.
Những nước ở tâm dịch - Guinea, Liberia, Sierra Leone nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới. Bình quân GDP trên đầu người của cả ba nước thấp hơn Haiti. Trang trải cho chăm sóc sức khỏe rất nhỏ, trong khoảng 40 USD - 100USD mỗi người một năm. Cơ sở hạ tầng y tế yếu, vì thế không ngạc nhiên khi có báo cáo cho thấy nhân viên y tế mất niềm tin và sợ hãi, thậm chí trốn chạy khi dịch bùng phát. Bởi thế, rất nhiều công việc chống lại Ebola ở Tây Phi đã dồn lên vai các tổ chức phi chính phủ như Bác sĩ không biên giới.
Tỷ lệ du lịch quốc tế cao gần đây có thể khiến dịch Ebola truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác theo đường di chuyển của con người. Nhưng nó không có nghĩa là dịch sẽ bùng nổ tiếp ở địa điểm mới. Điều này phụ thuộc vào việc hệ thống y tế dự phòng tại đó đã chuẩn bị đối phó với dịch như thế nào.
Chẳng hạn, trong khi Trung Đông đã có hàng trăm ca nhiễm virus MERS chết người, hai người đã mang virus này vào Mỹ vào tháng 5 nhưng họ không hề làm lây lan ra và dịch không xảy ra ở Mỹ.