Những nghiên cứu đầy triển vọng

  •  
  • 968

Các nhà khoa học hy vọng, trong tương lai, các công trình này sẽ được ứng dụng vào thực tế, đem lại hy vọng sống cho các bệnh nhân.

Tạo ra lá gan người hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm

Việc tạo ra các bộ phận hoặc một phần các cơ quan trong cơ thể của con người là một điều kỳ diệu mà không chỉ tế bào gốc mới có thể làm được. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ vừa thực hiện thành công việc phát triển một lá gan người thu nhỏ trong phòng thí nghiệm. Kết quả này đã mở ra triển vọng trong việc tìm ra nguồn thay thế tạng phù hợp cứu chữa các bệnh nhân cần ghép tạng.

Giáo sư Mark Thursz – chuyên khoa gan tại Bệnh viện St Mary - London và các đồng nghiệp của ông đánh giá cao thử nghiệm này và cho biết: Thành công của thử nghiệm này đã mang lại hy vọng sống cho những bệnh nhân mắc viêm gan C.


Hình ảnh một lá gan hoàn chỉnh (trái) và một lá gan thu nhỏ được
tạo từ tế bào (phải).

Nhóm các nhà khoa học Mỹ tại Trường đại học Bắc Carolina đã tạo ra lá gan này bằng cách cấy tế bào của một người tình nguyện vào một màng collagen lấy từ gan của động vật. Sau khi hoàn thành việc phát triển lá gan, lớp collagen này sẽ được loại bỏ và để lại hình hài, cấu trúc của một lá gan hoàn chỉnh.

Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học lấy tế bào gan ở một người khoẻ mạnh, sau đó nuôi các tế bào này phát triển bằng cách cung cấp dinh dưỡng và ôxy đều đặn cho lá gan. Khoảng 1 tuần sau đó, lá gan đã phát triển và có thể hoạt động như chức năng của một lá gan bình thường. Công việc tiếp theo của các bác sĩ là đem lá gan này ghép thử lên động vật để xem liệu gan nhân tạo có thể thay thế cho chức năng của gan thông thường.


Quá trình nuôi dưỡng một lá gan nhân tạo trong phòng thí nghiệm
với các ống cung cấp dinh dưỡng và ôxy.

Các nhà khoa học cho biết: Cần mất khoảng vài năm để có thể đưa công nghệ này từ phòng thí nghiệm trở thành công nghệ được ứng dụng trong các bệnh viện.

Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển các lá gan có thể thay thế mà khi ghép vào cơ thể người bệnh có thể hạn chế được thấp nhất nguy cơ bị đào thải.

Chế tạo thành công xương nhân tạo

Các nhà khoa học thuộc Trường đại học công nghệ Eindhoven vừa đạt được thành công trong việc kích thích quá trình hình thành xương trong phòng thí nghiệm. Cấu tạo của xương nhân tạo này gồm các sợi collagen, bên trong có chứa các tinh thể nano canxi phos-pho. Nhóm nghiên cứu của TS. Bico Sommerdijk đã trực tiếp phát triển loại xương nhân tạo này với mục đích thay thế xương trong trường hợp bệnh nhân bị gãy xương không thể hàn gắn hoặc ở những người già mà xương bị gãy khó liền lại. Công tình của TS. Sommerdijk đã đạt Giải thưởng khoa học Vici của Hiệp hội khoa học Hà Lan với khoản chi phí dành cho hoạt động nghiên cứu lên tới 1,5 triệu uero trong vòng 5 năm.


Hồng cầu

Biến tế bào da thành tế bào máu

Để có được máu, ngoài việc trông chờ vào sự hiến máu, bệnh nhân gần như không còn cơ hội nào khác. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, điều này sẽ không còn là một vấn đề gây nhiều trăn trở đến vậy. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu Ung thư và Tế bào gốc Trường đại học McMaster - Canada vừa tìm ra cách chuyển đổi tế bào da thành tế bào máu. Cách làm này dễ dàng hơn nhiều là việc cố gắng tạo ra tế bào gốc, rồi phát triển chúng thành các tế bào máu. Trong thí nghiệm của mình, các nhà khoa học Canada đã tìm ra nhân tố kích thích phát triển (là nhân tố thúc đẩy quá trình phân chia và tồn tại của tế bào). Các nhân tố này đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp cấu trúc, hình thành nên tế bào. Trong thử nghiệm, nhóm các nhà khoa học của TS. Bhatia đã tác động vào các nhân tố kích thích phát triển tế bào này khiến chúng trực tiếp lập trình lại một tế bào da bình thường và biến đổi cấu trúc thành cấu trúc của một tế bào máu.

Trong thí nghiệm này, mọi loại tế bào da từ những người trẻ tuổi cho tới người trưởng thành đều đươc thử nghiệm phương pháp biến đổi và cho ra các tế bào máu có độ tuổi tương ứng. Các chuyên gia hy vọng, sau các thử nghiệm thành công, công trình này sẽ được ứng dụng để sản xuất máu thay thế vào năm 2012.

Theo Sức khỏe Đời sống
  • 968