Những người nào nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa

  •  
  • 1.664

Người trên 50 tuổi, gia đình có người thân bị ung thư đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có vi khuẩn HP, đại tiện ra máu... thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo giáo sư Đào Văn Long, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới. Hơn 90% trường hợp ung thư dạng này phát triển từ polyp u tuyến. Vì thế, việc phát hiện sớm, cắt bỏ polyp u tuyến có nguy cơ ác tính giúp làm giảm tỷ lệ ung thư.

Giáo sư Long nhấn mạnh, khám để phát hiện sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa ở những người có nguy cơ là rất quan trọng. Nếu phát hiện sớm, bệnh hầu như có thể chữa khỏi. Tuy nhiên do tâm lý sợ phát hiện ra bệnh nên người bệnh thường không đi khám sớm, chỉ đến khi thấy đau không chịu nổi, khó chịu, chán ăn, đi ngoài ra máu, sút cân... mới đến viện thì đã muộn.

Những người có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa nên thường xuyên đi nội soi đại trực tràng, dạ dày để phát hiện sớm bệnh.
Những người có nguy cơ cao bị ung thư đường tiêu hóa nên thường xuyên đi nội soi đại trực tràng, dạ dày để phát hiện sớm bệnh. (Ảnh: N.P).

Các bác sĩ khuyến cáo có thể phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa bằng cách khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao hoặc có các triệu chứng đường tiêu hóa. Theo đó, những người có nguy cơ cao bị nhóm ung thư này là người trên 50 tuổi, tiền sử gia đình có người thân bị ung đường tiêu hóa, tiền sử viêm dạ dày, từng phát hiện có vi khuẩn HP, đại tiện ra máu... Những trường hợp này cần đi soi đại trực tràng, dạ dày thường xuyên hơn để phát hiện bệnh sớm.

Giáo sư Long cũng lưu ý không phải cứ mang vi khuẩn HP là phải điều trị. Ước tính 70% dân số mang vỉ khuẩn HP nhưng không phải tất cả đều cần điều trị; chỉ khi nào có các triệu chứng đau bụng, ợ hơi... mới cần đi khám, bác sĩ tư vấn điều trị.

Tầm soát bệnh có nhiều mức độ, định kỳ kiểm tra ở một trung tâm nào đó nếu có những rối loạn cần tầm soát chuyên sâu. Tầm soát có thể thực hiện ngay tại các cơ sở khám bệnh thông thường như xét nghiệm máu, nội soi đường tiêu hoá; nếu nghi ngờ có thể sinh thiết và siêu âm nội soi.

Ung thư đường tiêu hóa thường có dấu hiệu như đầy hơi, khó tiêu, nuốt khó, đau bụng, ói; trường hợp nặng hơn có thể nôn ra máu kèm sụt cân, thiếu máu và đại tiện phân đen. Triệu chứng nhóm ung thư này chủ yếu là rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy; trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện...

Cập nhật: 20/09/2016 Theo VnExpress
  • 1.664