Việc phát hiện dấu tích thời nguyên thủy có niên đại từ 20.000 năm trước đánh dấu sự có mặt của con người sớm nhất ở Tuyên Quang cũng như ở trên đất nước Việt Nam.
Trong hơn 3 thập kỷ trở lại đây, liên tiếp những phát hiện khảo cổ học quan trọng đã khẳng định Tuyên Quang là vùng đất sinh tồn của người nguyên thủy.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho đến nay gần 30 di tích thời kỳ đồ đá được phát hiện ở Tuyên Quang, kèm theo hàng nghìn đồ vật rất quý.
Đây là khối sử liệu bằng hiện vật giúp các nhà sử học phục dựng lại đời sống và văn hóa của người tiền sử Tuyên Quang.
Nhà khảo cổ thám sát hang động Loong Cha, huyện Chiêm Hóa. (Nguồn:nhandan.vn).
Quá trình khai quật di tích và thống kê, phân kỳ dựa trên các di vật cho thấy, tiêu biểu vào giai đoạn hậu kỳ đá cũ, có niên đại cách ngày nay trên dưới 20.000 năm tại 2 di tích là đồi Đền Thượng (huyện Chiêm Hóa) và di tích Gốc Heo (huyện Hàm Yên).
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều công cụ lao động của người xưa, chủ yếu được chế tác là những hòn cuội ghè, đẽo, trên những bậc thềm sông Cổ, sông Lô, sông Gâm.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Năng Chung nhấn mạnh, dọc bên thêm sông Lô, sông Gâm, dấu tích của người tiền sử nơi đây chắc chắn vẫn còn rất nhiều.
Người nguyên thủy luôn củng cố cộng đồng một cách chặt chẽ với sự gắn kết bằng cả tình cảm lẫn trách nhiệm từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Sự phát triển của cư dân cổ Tuyên Quang nói riêng và người Việt cổ nói chung luôn gắn liền với việc gây dựng những điều đẹp đẽ và vĩ đại trên quê hương này. Từ đây ánh bình minh của lịch sử dân tộc luôn mở ra những chân trời mới, văn minh hơn và rực rỡ hơn.
Vào giai đoạn sơ kỳ đá mới, tiêu biểu có hang Phia Vài với niên đại cách đây trên dưới 10.000 năm. Công cụ ghè đẽo ở Phia Vài được chế tạo khá đơn giản, mang phong cách truyền thống của hậu kỳ đá cũ - loại hình và kỹ thuật Sơn Vi.
Sự tương đồng trên có lẽ mang tính chất truyền thống chứ hiển nhiên Phia Vài không phải là di chỉ Sơn Vi.
Việc phát hiện dấu tích thời nguyên thủy có niên đại 20.000 năm cách ngày nay đánh dấu sự có mặt của con người sớm nhất ở Tuyên Quang cũng như ở trên đất nước Việt Nam. Nó là những trang sử đầu tiên mở đầu cho việc khai phá, cư chiếm ở những vùng đất tổ tiên ta hiện này đã từng sinh sống.
Mặt khác, việc nghiên cứu tiền sử Tuyên Quang đã đóng góp rất nhiều vào tư liệu khảo cổ học quý, những tư liệu bằng hiện vật thật trong công cuộc nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Hội khảo cổ học Việt Nam) cho biết, di tích có niên đại muộn nhất nhưng lại có giá trị tiêu biểu là hang Phia Muồn.
Đây là một di chỉ khải cổ thuộc vùng đất bản Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang. Các nhà khoa học đã phát hiện được các tầng văn hóa thuộc văn hóa Hòa Bình, gồm công cụ bằng đá được chế tác tinh vi và các mộ táng, niên đại khoảng 3.500-4.500 năm trước đây.
Phát hiện bộ di cốt độc đáo ở Đông Nam Á
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường (Hội khảo cổ học Việt Nam), năm 2005, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện được bộ xương người tại hang Phia Vài.
Theo đánh giá bước đầu, đây là di cốt chôn nguyên dạng, không phải là bộ xương đã được cải táng, cũng là bộ di cốt điển hình, độc đáo ở Đông Nam Á.
Năm 2006, các nhà khảo cổ học đã cưa bỏ phần quách thạch cao ở phía trên để lấy được bộ xương bán hóa thạch 10.000 năm tuổi vô giá này.
Bộ di cốt này được cho là hài cốt của người đàn bà chết ở tư thế nằm ngửa, bó gối, hai tay duỗi thẳng.
Mặc dù bộ xương chỉ còn nguyên vẹn phần đầu với độ hóa thạch cao, phần thân và tay, xương ống chân hầu như không còn, nhưng dựa vào vị trí của xương sên (là xương nhỏ nối giữa cổ chân và gót chân) và xương gót chân trái nằm sát bên chậu hông, các chuyên gia kết luận tư thế chôn cất này là một trong những tư thế mai táng quen thuộc của cư dân văn hóa Hòa Bình, Đa Bút, Quỳnh Văn...
Đặc biệt, tang thức bỏ ốc biển vào mắt của người quá cố đã cung cấp cho các nhà khảo cổ học về quá trình tiến hóa chủng tộc người.
Bên cạnh đó, hình dáng hộp sọ của bộ di cốt này là dạng sọ tròn hoàn toàn khác với dạng sọ dài của cư dân văn hóa Hòa Bình.
Trong khi di tích Phia Vài có niên đại thuộc văn hóa Hòa Bình, việc đặt ốc biển vào mắt người chết cũng làm thay đổi quan điểm của các nhà khảo cổ học về cư dân Phia Vài so với các nhóm cư dân cổ khác trong khu vực bởi những nét riêng biệt.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Lân Cường nhấn mạnh, nhìn lại những sọ cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình đã được nghiên cứu như Mái đá Điều, Mái đá Nước (tỉnh Thanh Hóa), Động Can, Hang Chim, Hang Muối (tỉnh Hòa Bình) và Mái đá Ngườm (tỉnh Thái Nguyên) thì các nhà khảo cổ chưa bao giờ gặp trường hợp này.
Những sọ cổ có niên đại tương tự phát hiện được ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt.
Có thể nói, Phia Vài là một di tích Hòa Bình sớm, tuy nhiên, vấn đề niên đại di chỉ hang Phia Vài sẽ tiếp tục được xem xét.
Những di cốt động vật bán hóa thạch tìm được ở Phia Vài cho thấy về lịch sử con người tại giai đoạn chuyển từ Cánh Tân sang Tòan Tân của Việt Nam. Ngoài ra, các di vật như mộ táng, di vật đá… giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về táng tục, đời sống tinh thần của cư dân tiền sử.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trình Năng Chung nhận định, đây còn là một phát hiện cực kỳ quan trọng trên nhiều phương diện.
Về mặt cổ nhân học, đây là bộ xương người cổ đầu tiên được phát hiện ở tỉnh Tuyên Quang. Về mặt tư duy, tâm linh, có thể những người thuộc giai đoạn văn hóa Hòa Bình nơi đây đã có ý niệm chết tức là bước sang một “cuộc sống mới”, người phụ nữ Phia Vài cũng cần có hai con mắt.
Các công trình khai quật và nghiên cứu của các nhà khảo cổ học đã trả lại cho lịch sử nhiều điều mà thời gian đã vùi sâu trong lòng đất, tất cả các bằng chứng khảo cổ học đều đã chứng minh chính con người trong cuộc chinh phục hàng vạn biến đổi của tự nhiên đã phác thảo những dấu tích đầu tiên của cộng đồng mình.