Những phát hiện lạ, mới nhất ở di tích Mỹ Sơn

  •  
  • 2.322

Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, thông tin về việc dòng suối cổ tại khu di tích Mỹ Sơn bị san ủi, bê tông hóa một cách vội vã đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự can thiệp thô bạo của con người đối với di sản, nơi được đánh giá là còn rất nhiều bí ẩn mà mọi sự can thiệp vào cần hết sức thận trọng.

Từ tai trang trí có khắc chữ Trần đến mukhalinga

Năm 1999, khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích này.

Đây là linga độc đáo nhất tại Đông Nam Á, tiến sỹ Ngô Đăng Doanh nhận xét.
Đây là linga độc đáo nhất tại Đông Nam Á, tiến sỹ Ngô Đăng Doanh nhận xét.

10 năm triển khai với nhiều hạng mục khai quật khảo cổ, gia cố trùng tu…, đã làm phát lộ nhiều hiện vật đất nung có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao, đặc biệt ở nhóm tháp G, như đầu ngỗng, đầu bò thần Nandin, tượng thần, mặt kala cùng nhiều hiện vật trang trí khác. Đặc biệt, tháng 4/2007 trong lúc khai quật khu vực phía nam tháp G1, các chuyên gia đã phát hiện khoảng 10 tai trang trí góc tháp bằng đất nung có khắc chữ Trần bên trên.

Sự xuất hiện các hiện vật có khắc ký tự Hán tại một đền tháp Champa đã tạo sự quan tâm đặc biệt với những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm lúc bấy giờ. Nhiều tranh cãi, giả thuyết đã được đặt ra để lý giải, tuy nhiên điều không thể phủ nhận là từ thế kỷ 13 (niên đại nhóm tháp G) người Việt đã từng hiện diện tại vùng đất này và cùng tham gia vào quá trình xây dựng nhóm tháp G (có thể cưỡng bức hoặc tự nguyện).

Năm 2005, Dự án khảo cổ khai thông dòng suối Khe Thẻ tiến hành tại khu vực phía đông nhóm tháp D và một đoạn suối khe Thẻ cũng đã phát hiện gần 450 hiện vật chủ yếu bằng đá, gạch và ngói hình mũi lá..., trong đó nhiều hiện vật kiến trúc sa thạch có kích thước to lớn và được chạm khắc hoa văn đa dạng như bậc cấp, lanhtô, mi cửa, con tiện… chỉ cách mặt đất khoảng 1m. Có ý kiến cho rằng đây có thể là vị trí của một đền tháp Chăm xưa đã bị sụp đổ, tuy nhiên căn cứ vào hiện trạng những hiện vật sa thạch khai quật được như không còn nguyên vẹn, đa phần bị sứt mẻ, hư hại hoặc chưa hoàn thiện thì giả thuyết về điểm tập kết vật liệu, một bãi rác phế phẩm hay một công xưởng chế tác đá của người Chăm phục vụ công việc xây tháp Mỹ Sơn hoặc tháp đá B1 có vẻ phù hợp hơn.

Trang trí đầu ngói chạm mặt kala - một hiện vật lạ phát hiện tại Mỹ Sơn.
Trang trí đầu ngói chạm mặt kala - một hiện vật lạ phát hiện tại Mỹ Sơn.

Tiếp đến, tháng 10/2012, trong lúc tiến hành khảo cổ tại tường bao phía đông tháp E7, các chuyên gia đã phát hiện khoảng 10 hiện vật trang trí đầu gói chạm hình mặt kala (thần Thời gian) bên trên. Hiện vật mà theo ông Lê Minh - cán bộ kỹ thuật ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn - là “chưa từng thấy tại Mỹ Sơn từ trước đến nay”.

Tuy nhiên, việc phát hiện mukhalinga (linga chạm mặt người) tháng 11/2012 tại khu vực nhóm tháp F mới chính là phát hiện độc đáo của Mỹ Sơn 13 năm qua kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Linga có kích thước cao khoảng 120cm x 40cm được chạm trổ 3 tầng (tầng một 4 cạnh, tầng hai 8 cạnh và đỉnh hình tròn). Đặc biệt, đỉnh linga được chạm nổi hình mặt người khá sinh động.

Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người có nhiều năm nghiên cứu tại Mỹ Sơn thì việc phát hiện mukhalinga tại Mỹ Sơn rất đáng ngạc nhiên, “tại các tháp như Porome hay Poklongarai (Ninh Thuận) mukhalinga không phải là lạ, nhưng tại Mỹ Sơn thì đây mới là lần đầu tiên nhìn thấy” - ông Hỷ cho biết.

Còn theo tiến sĩ Ngô Văn Doanh - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - thì “đây là linga độc đáo nhất lần đầu tiên được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á”.

Mỹ Sơn vẫn còn nhiều bí ẩn

Đã hơn 100 năm kể từ khi khu đền tháp Mỹ Sơn được các nhà khoa học người Pháp “đánh thức”, nhiều phát hiện đã được công bố, không ít phát hiện gây tranh cãi trong giới khoa học và những nhà nghiên cứu càng làm cho Mỹ Sơn thêm huyền bí. Mọi giả thuyết có thể chỉ là phỏng đoán, nhưng điều không thể phủ nhận là dưới lòng đất Mỹ Sơn vẫn còn nhiều bí ẩn mà còn lâu chúng ta mới khám phá hết được.

Theo tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện khảo cổ học Việt Nam, ông cũng như nhiều nhà khoa học và khảo cổ khác đều chung quan điểm là trong mỗi nhóm tháp đều có nhiều niên đại khác nhau. Ông cũng đã phát hiện nhiều dấu vết của các đền tháp xưa còn vương vãi rất nhiều trên bề mặt cũng như dưới lòng đất “chắc chắn đã từng có một Mỹ Sơn cổ trong lòng đất và là cội nguồn của các công trình kiến trúc còn hiện diện đến ngày nay” - ông Phụng nhìn nhận.

Nhiều hiện vật lạ đang được lưu giữ tại kho để lập hồ sơ trước khi trưng bày.
Nhiều hiện vật lạ đang được lưu giữ tại kho để lập hồ sơ trước khi trưng bày.

Nếu như quá trình tìm ra chất kết dính và gạch thay thế là cuộc cách mạng trong trùng tu thì việc phát hiện ra những hiện vật như điêu khắc chữ Trần, đầu gói hình kala hay linga mặt người là bước đột phá trong khảo cổ học tại khu đền tháp Mỹ Sơn 14 năm qua, kể từ ngày khu di tích này được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Qua đó, không chỉ khẳng định vững chắc Mỹ Sơn là nơi hội tụ của tất cả phong cách kiến trúc nghệ thuật đền tháp Champa hiện còn trên dải đất miền trung, nó còn góp phần vén mở bức màn bí mật về đời sống kinh tế - xã hội cũng như quan niệm thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật của người Chăm xưa trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, tạo cơ sở để các nhà khoa học tiếp tục khám phá, nghiên cứu sâu hơn những bí ẩn.

Vì vậy, “hãy cẩn trọng khi triển khai bất kỳ sự can thiệp nào vào Mỹ Sơn dù cho đó là lý do đúng nhất” - như ý kiến của bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội - đã từng cảnh báo.

Theo LĐ
  • 2.322