Những "phú hộ" tên miền Internet

  •  
  • 75

Kevin Ham được coi là nhân vật có vai vế nhất trong lĩnh vực kinh doanh domain khi nắm trong tay số địa chỉ web có tổng trị giá 300 triệu USD. Với những người như Ham, sở hữu tên miền, nghĩa là kiểm soát một phần mạng Internet.

Mỗi khi mua một tên miền, Ham, 37 tuổi gốc Hàn và hiện sống tại Vancouver (Canada), luôn tự hỏi liệu đó có phải là địa chỉ dễ nhớ mà mọi người sẽ trực tiếp gõ trên thanh công cụ trình duyệt thay vì nhờ cậy đến công cụ tìm kiếm? Nên chọn từ khóa ở dạng số nhiều hay số ít? Có nhiều người gõ nhầm từ đó không? 

Ham tốt nghiệp Đại học y British Columbia năm 1998 và hai năm sau trở thành trưởng khoa nội ở một bệnh viện London (Anh). Vị trí đó giúp anh không phải tất bật với các khoa cấp cứu và có thời gian truy cập Internet cũng như học cách tạo website.

Thông tin web hosting khi ấy còn rải rác và Ham quyết định lập danh mục các nhà cung cấp qua trang Hostglobal.com. Chỉ 6 tháng sau, anh thu về 10.000 USD/tháng nhờ quảng cáo - bước khởi đầu đầy thuyết phục để anh từ bỏ nghề y, quay lại Canada và chuyển sang kinh doanh tên miền.

Ham luôn tỏ ra quyết đoán, như sẵn sàng chi 10.000 USD để mua Weddingcatering.com. Và dù Greeting.com không hấp dẫn bằng domain số nhiều Greetings.com, anh vẫn mua nó với giá 350.000 USD. Kho tên miền của Ham còn có God.com và Satan.com vì anh là người mộ đạo.

Ham cũng tính trước những từ mà người sử dụng hay gõ sai, chẳng hạn .cm thay vì .com, và mua ngay những biến thể đó. Đây là sự đầu tư khôn ngoan vì .cm là mã quốc gia của Cameroon và gần như chưa có địa chỉ .cm nào được đăng ký, tương tự với .om (Oman), .ne (Niger) hay .et (Ethiopia).

Kevin Ham. Ảnh: CNN.

Ham vẫn mua 30 - 100 tên miền mỗi ngày, nhưng giá cả ngày một đắt đỏ, chẳng hạn Fruitgiftbaskets.com là 26.250 USD còn Hoteldeals.com lên tới 171.250 USD. Không ít người cho rằng anh "quẫn trí" mới bỏ ra những khoản tiền lớn rồi lại bắt đầu góp nhặt từng xu từ quảng cáo.

Nhưng Ham nhìn xa hơn thế. "Sở hữu tên miền, nghĩa là bạn đang kiểm soát một phần mạng Internet".

Không chỉ có Ham, còn rất nhiều người đang kiếm bộn tiền nhờ đầu tư mua "đất" trên Internet. Garry Chernoff mua Netincome.com năm 1995. Bốn năm sau, ông bỏ nghề thợ điện để tập trung kinh doanh domain và giờ ông sống trên mảnh đất rộng 4 ha tại British Columbia (Canada).

Từ một nông dân trồng dưa hấu ở Waurika, Oklahoma (Mỹ), Scott Day khám phá sức hút mạnh mẽ của Internet vào năm 1997 khi ông mua Watermelons.com với giá 3.000 USD. Hiện nay, ông sở hữu một trong những danh mục tên miền đáng ngưỡng mộ nhất thế giới.

Trong khi đó, Craig Lovik bắt đầu phát hiện “mỏ vàng” từ việc gõ nhầm tên miền từ năm 1998. Ông đang sở hữu hơn 200.000 domain khác nhau, trong đó có những địa chỉ bị viết sai chính tả như Peircings.com (piercings) hay Pheonix.com (phoenix)

Mạo hiểm nhưng chóng giàu

Công ty hiện nắm giữ nhiều tên miền nhất là NameMedia ở Massachusetts (Mỹ) với 725.000 domain, trong khi Dark Blue Sea Limited (Australia) đứng thứ hai với 550.000 tên. Hai công ty này đang chiếm tổng cộng hơn 1% số domain trên toàn thế giới.

Dan Warner, Giám đốc chiến lược của Dark Blue Sea, cho biết khoảng hai năm trước đây, chỉ có 18 - 19 công ty sở hữu hơn 10.000 tên miền, còn giờ con số đó đã là trên 50.

Đầu tư cho tên miền là điều hợp lý bởi công việc kinh doanh hiện nay xoay quanh địa chỉ website mà mỗi công ty đã lựa chọn. Một nhân tố khác thúc đẩy xu hướng này là tính hiệu quả của chiến lược quảng cáo CPC do Yahoo và Google khởi xướng. Tên miền hấp dẫn sẽ gây chú ý của người tiêu dùng, từ đó tăng số lượt click và mang lại lợi nhuận cho chủ nhân website.

Một số người nghĩ website thiếu nội dung phong phú sẽ không thể hút khách, nhưng các nhà đầu tư đã biết tận dụng kiểu tìm kiếm tự nhiên. Nghĩa là, người sử dụng tin rằng họ sẽ tìm được nội dung liên quan nếu gõ một tên miền nghe có vẻ “hiển nhiên”, chẳng hạn shark.com ắt sẽ chứa thông tin về cá mập.

"Nhiều người than rằng mua được một tên miền hay rất khó, nhưng cơ hội vẫn còn rất nhiều. Chỉ cần bạn có một chút sáng tạo. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn đăng ký thêm 5 - 10 domain liên quan đến những lĩnh vực mà mọi người cho là không quan trọng, nhưng sau đó lại trở nên ăn khách", Warner cho hay.

5 vụ mua bán tên miền đình đám nhất 2006:

1. Diamond.com, 7,5 triệu USD: Hãng kinh doanh đồ trang sức trực tuyến Ice.com mua lại từ công ty Odimo.

2. Vodka.com, 3 triệu USD: Hiện nằm trong tay doanh nhân tỷ phú Roustam Tariko.

3. Cameras.com, 1,5 triệu USD: Được bán cho Sig Solares trong một cuộc đấu giá tên miền trực tuyến.

4. NAV.no, 717.978 USD: Chính phủ Na Uy mua tên miền này để xây dựng website về phúc lợi xã hội.

5. On.com, 635.000 USD: Tên miền này được dùng để chuyển hướng (redirect) đến một trang web cá nhân.

Hải Nguyên

Theo CNN, The Age, VnExpress
  • 75