Những quả bom sót lại từ Thế chiến ngày càng dễ nổ

  •  
  • 223

Những quả bom chứa hợp chất Amatol từ hàng chục năm trước đang trở nên nguy hiểm hơn vì chất này ngày càng nhạy cảm với các tác động.

Trái đất có hàng triệu tấn bom mìn, đặc biệt là từ hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra vào thế kỷ 20. Trong khi một lượng lớn vẫn bị chôn vùi và lãng quên suốt hàng thập kỷ qua, nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học từ Đại học Oslo và Đại học Stavanger (Na Uy) cho thấy nhiều quả bom chứa một loại hóa chất khiến chúng ngày càng dễ phát nổ theo thời gian, IFL Science hôm 27/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Royal Society Open Science.

Máy bay Boeing B-17 Flying Fortress của Mỹ thả bom xuống Đức
Máy bay Boeing B-17 Flying Fortress của Mỹ thả bom xuống khu nhà máy hóa chất và dầu tổng hợp Ludwigshafen ở Đức trong Thế chiến II. (Ảnh: Everett Collection)

Hóa chất này là Amatol, một vật liệu có khả năng nổ mạnh làm từ hỗn hợp TNT và amoni nitrat, dùng trong nhiều loại bom mìn được chế tạo cho Thế chiến I và Thế chiến II, bao gồm bom hàng không, đạn pháo, bom chìm, thủy lôi.

Các chất nổ thông dụng khác, như trinitrotoluene (TNT) nguyên chất hay Pentaerythritol tetranitrate (PETN), vẫn tương đối ổn định qua thời gian và không trở nên nguy hiểm hơn so với ban đầu. Tuy nhiên, qua thời gian, Amatol dường như trở nên nhạy cảm hơn với các tác động nếu được bảo quản trong những điều kiện nhất định.

Trong chuỗi thí nghiệm mới, nhóm nghiên cứu Na Uy thả vật nặng lên 5 mẫu thuốc nổ Amatol thu thập từ chiến trường. Kết quả cho thấy những quả bom nhạy cảm với tác động hơn trước và ngày càng trở nên dễ mất ổn định. Sự thay đổi tính chất này nhiều khả năng do cách Amatol phản ứng với những hóa chất khác trong môi trường tự nhiên.

"Nghiên cứu hé lộ, sự hiện diện của độ ẩm, cùng với những yếu tố khác, có thể góp phần làm tăng độ nhạy với tác động của Amatol. Các hỗn hợp nổ chứa amoni nitrat có thể trở nên nhạy cảm khi bị nhiễm một lượng nhỏ kim loại, hoặc khi tiếp xúc với kim loại. Những kim loại gây ô nhiễm này có thể phản ứng hóa học với amoni nitrat, tạo thành các muối phức tạp và khiến hỗn hợp trở nên nhạy cảm", nhóm nghiên cứu giải thích.

Việc phát hiện những quả bom chưa nổ từ Thế chiến II không hiếm. Tháng trước, một quả bom Đức 500kg được tìm thấy tại sân sau của một ngôi nhà ở Plymouth, Anh. Hơn 100 binh sĩ và chuyên gia về bom đến xử lý, trong khi 10.000 cư dân gần đó phải sơ tán. May mắn là quả bom được xử lý an toàn mà không có bất cứ thương vong nào. Tuy nhiên, vào năm 2008, 17 người tại một công trường ở thị trấn Hattingen, Đức, đã bị thương khi máy xúc cán phải một quả bom 250kg từ Thế chiến 2, khiến nó phát nổ.

Nghiên cứu mới cho thấy những sự cố liên quan đến bom chưa nổ có thể trở nên ngày càng nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, những người phụ trách xử lý số bom chưa nổ cần được thông báo về sự gia tăng độ nhạy của Amatol theo thời gian.

Cập nhật: 29/03/2024 VnExpress
  • 223