Một khối băng lớn trông giống như một viên kẹo bạc hà khổng lồ, với những đường sọc xanh dương, xanh lá và nâu rất đẹp mắt. Còn một tảng khác thì trông như bị chọc thủng bởi một mũi giáo.
Những tảng băng ấn tượng này, được hình thành từ hàng nghìn năm trước, đang nằm trôi nổi tại vùng Nam cực. Một số đường sọc được tạo ra khi các lớp băng tan chảy và lại đông cứng. Những đường kẻ khác lại hình thành do đất và bụi bám vào khi dải băng tạo nên khối băng này trượt trên một sườn dốc.
Tảng băng có hình viên kẹo nhiều màu dài khoảng 45 m và cao 9 m. Bức ảnh đã được thủy thủ Oyvind Tangen người Na Uy chụp lại khi đang ở trên một con tàu nghiên cứu nằm cách Cape Town, Nam Phi 2.735 km về phía nam. (Ảnh: Daily Mail)
Hầu hết các khối băng ở Nam cực được hình thành khi tuyết rơi trên lục địa. Qua thời gian, tuyết đọng lại thành băng và trượt ra biển. Khi đó, nó sẽ hoặc vỡ tan thành nước hoặc hình thành nên những khối băng.
Băng thường có màu trắng do những bọt nước nhỏ li ti kẹt trong đó phát ra ánh sáng ở mọi hướng. Tuy nhiên, nếu những bọt nước này bị ép ra ngoài, hoặc một phần của tảng băng tan chảy và lại đông cứng, nó sẽ biến thành màu xanh dương.
Khi một tảng băng trượt ra biển, một lớp nước mặn sẽ đóng băng ở phía dưới. Nếu nước này nhiều tảo, nó sẽ hình thành nên sọc xanh lá. Những sọc nâu, đen và vàng là do trầm tích tạo nên, hình thành khi dải băng cọ sát ở dưới đáy khi trượt dốc ra biển. Thông thường, chỉ khoảng 1/10 của tảng băng là nằm trên mặt nước. Núi băng lớn nhất được biết đến cao 168 m trên mặt biển - tương đương tòa nhà 55 tầng.
Tảng băng như bị mũi giáo xuyên qua cao tận 30 m. Oyvind Tangen. (Ảnh: Daily Mail)
Nhiếp ảnh gia Martin Bailey - chuyên chụp cảnh thiên nhiên và động vật hoang dã ở Tokyo đã chụp lại những bức ảnh đẹp lộng lẫy của Nam Cực trong loạt ảnh đầy ấn tượng dưới đây.