Những thách thức lớn của môi trường toàn cầu

  •   4,112
  • 26.784

Có rất nhiều định nghĩa về môi trường. Theo “Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam”, thì : “Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”.

Còn theo kinh tế học: “Môi trường là toàn bộ các vùng vật lý và sinh học, các điều kiện vật chất - tự nhiên với tư cách là sản phẩm lâu dài của tạo hóa, có trước con người, có tương tác lẫn nhau, và cùng tác động đến sự hình thành, sinh tồn và phát triển của con người, cùng các hoạt động xã hội của họ. Về cơ cấu, môi trường bao gồm sinh quyển (không khí, nước, đất đai, ánh sáng...) và hệ sinh sống, mà giữa chúng có ảnh hưởng tương tác đến nhau, và cùng ảnh hưởng đến cuộc sống của con người”...

Vậy nhưng, môi trường toàn cầu đang có chiều hướng ngày càng xấu đi và có ảnh hưởng nhất định đến sự tồn vong của con người. Và con người đang đứng trước những thách thức lớn về môi trường toàn cầu.

Thách thức thứ nhất: Ô nhiễm đất. Trên toàn thế giới đang có xu hướng tăng hiện tượng đất bị ô nhiễm, bởi: một là, do con người quá lạm dụng hoặc do tác động phụ của việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ và các chất kích thích sinh trưởng khác. Mỗi năm, trên thế giới có hàng nghìn hóa chất mới được đưa vào sử dụng trong khi con người vẫn chưa hiểu biết hết tác động phụ của chúng đối với hệ sinh vật. Hai là, không xử lý đúng kỹ thuật các chất thải công nghiệp và sinh hoạt khác của người và súc vật, hoặc các xác sinh vật chết gây ra... Ô nhiễm đất làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng, hủy diệt sự sống một số sinh vật trong những khu vực ô nhiễm nặng, đồng thời còn đe dọa đến sức khỏe con người thông qua vật nuôi, cây trồng, thậm chí gây ra những biến dạng sinh thái và di truyền nặng nề cho hệ sinh sống.

Thách thức thứ hai, đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Sự ô nhiễm các nguồn nước đang có nguy cơ gia tăng do thiếu biện pháp xử lý cần thiết các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp; do các hóa chất dùng trong nông nghiệp và các nguồn nhiễm xạ, nhiễm bẩn từ các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất; ô nhiễm do các loài thực vật nổi trên mặt nước sinh sôi mạnh làm động vật biển chết hàng loạt do thiếu ô xy. Một vài loài thực vật nổi còn có thể sinh ra độc tố nguy hiểm cho hệ động vật và cả con người; ô nhiễm do khai thác đáy biển lấy dầu khí và các loại khoáng sản quí hiếm khác; ô nhiễm còn do các chất thải trong thiên nhiên (ước tính mỗi năm có hơn 60 vạn tấn chất thải từ không trung rơi xuống nhất là chất hydro các bua từ khí quyển - gọi là mưa khí quyển).

(Ảnh: search.tvnz.co.nz)Hiện nay, có từ 40-50% lưu lượng ổn định của các dòng sông trên quả đất bị ô nhiễm. Độ ô nhiễm nguồn nước trên thế giới có thể tăng 10 lần trong vòng 25 năm tới. Bên cạnh đó, theo ước tính của giới khoa học thì, ước tính có khoảng 96,5% nước trên quả đất là nước mặn nằm trong các đại dương. Chỉ có 2,53% tổng lượng nước là nước ngọt có thể dùng được cho trồng trọt và sinh hoạt của con người. Thế nhưng nhu cầu tiêu dùng nước sạch ngày càng tăng nhanh do sự gia tăng dân số và yêu cầu phát triển sản xuất. Có thể nói, sau nguy cơ về dầu mỏ, loài người đã, đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ phổ biến là thiếu nguồn nước sạch cần thiết để duy trì và phát triển đời sống kinh tế - xã hội của mình.

Hiện nay, ước tính có trên 1/2 quốc gia và khu vực trên thế giới đang bị thiếu nước với các mức độ khác nhau, trong đó có khoảng 50 quốc gia thiếu nước nghiêm trọng. Có tới 80% bệnh tật liên quan trực tiếp do nguồn nước bị nhiễm bẩn, mỗi năm có 25 triệu trẻ em đã chết vì dùng nước không sạch.

Thách thức thứ ba là vấn đề ô nhiễm không khí. Sự phát triển công nghiệp và đời sống đô thị dựa trên “nền văn minh dầu mỏ” đang làm không khí bị ô nhiễm bởi các chất thải khí SO2, NO2, CO, hơi chì, mồ hóng, tro và các chất bụi lơ lửng khác sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hay các chất cháy khác...

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện có tới 50% dân số thành thị trên thế giới sống trong môi trường không khí có mức khí SO2 vượt quá tiêu chuẩn và hơn 1 tỉ người đang sống trong môi trường có bụi than, bụi phấn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Những năm gần đây, lượng khí thải ngày càng tăng lên (trong vòng 20 năm tới sẽ tăng gấp 15 lần so với hiện nay). Sự ô nhiễm không khí có thể trực tiếp giết chết hoặc hủy hoại sức khỏe các sinh vật sống, gây ra “hiệu ứng nhà kính” và các trận mưa a xít không biên giới làm biến dạng và suy thoái môi trường, hủy diệt hệ sinh thái.

Thách thức thứ tư là tài nguyên biển đang bị khai thác bừa bãi, rừng bị thu hẹp dần cùng với sự gia tăng đất bị sa mạc hóa. Biển càng ngày càng trở thành cái thùng rác lớn nhất của quả đất nên ngày càng bị ô nhiễm nặng. Thêm vào đó là sự khai thác bừa bãi, mù quáng quá mức cho phép của con người. Hiện nay, trước sức ép của các vấn đề kinh tế-xã hội, các nước đã và đang đồng loạt tiến quân ra đại dương nên sự cạn kiệt tài nguyên biển và vấn đề ô nhiễm đang ngày càng trở nên trầm trọng.

Cùng với biển, rừng đang ngày càng bị thu hẹp dần. Tốc độ phá rừng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang ở mức độ chóng mặt. Rừng bị thu hẹp kéo theo những tai họa khổng lồ mang tính chất toàn cầu như làm biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, thay đổi khí hậu và gia tăng các tai họa thiên nhiên.

Tình trạng sa mạc hóa kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm phóng xạ, bức xạ, sự mất ổn định về khí hậu... đều gây hại trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe và di truyền của sinh vật, thực vật sống, trong đó có con người. Hậu quả sẽ thật khủng khiếp và khó lường. Những tổn thất về con người và vật chất do môi trường suy thoái gây ra đã và đang vượt quá tổn thất về người và của do các biến động xã hội và từ chiến tranh.

Dự báo, những năm đầu thế kỷ này, số nạn nhân của môi trường sẽ lên đến ít nhất 50 triệu người. Con người đang đứng trước sự cảnh báo mới : Trừ chiến tranh hạt nhân, thì sự biến đổi của khí hậu sẽ là mối đe dọa lớn nhất với sự tồn vong của loài người và tương lai của quả đất. Đó là những lời cảnh báo để con người mau chóng có những hành động tích cực với môi trường, vì môi trường và vì sự sống của chính mình.

TRUNG GIANG (Tổng hợp)

Cập nhật: 13/12/2024 Theo Báo Cần Thơ
  • 4,112
  • 26.784