Tên lửa hành trình phải bay theo quỹ đạo lập trình sẵn và có tự hiệu chỉnh phần nào nhưng nhìn chung nó bay thấp và quỹ đạo ít cơ động nên rất dễ đón lõng.
Tên lửa hành trình hay còn gọi là tên lửa có cánh thực chất là loại máy bay không người lái bay thấp và rất thấp.
Nó bay thấp để tránh sự phát hiện của radar đối phương. Nhưng khi tên lửa bay thấp thì radar chủ nhân của nó cũng không theo dõi được nó nên tên lửa hành trình được thực hiện theo chiến thuật "bắn và quên'', nghĩa là khi đã rời bệ phóng thì nó phải tự xoay xở lấy.
Tên lửa phải bay theo quỹ đạo lập trình sẵn và có tự hiệu chỉnh phần nào nhưng nhìn chung nó bay thấp và quỹ đạo ít cơ động nên rất dễ đón lõng.
Nó dễ dàng thoát lưới phòng không hiện đại vì các loại radar không bắt được nó nhưng nó không thể thoát khỏi tai và mắt con người và lưới lửa phòng không đón lõng bằng các loại súng bộ binh. Chỉ cần một phát súng trường cũng đủ tiêu diệt nó.
Mặt cắt của tên lửa Tomahawk.
Nó được phóng từ xa để gây bất ngờ cho đối phương và hạn chế đối phương tấn công vào vật chủ của nó, thí dụ như tàu biển từ ngoài khơi bắn vào.
Nó bay xa và bay thấp nên không thể bay nhanh vì mật độ không khí ở tầng thấp rất lớn nên nếu bay nhanh thì nó bị nung nóng và không chịu nổi.
Nếu nó được phóng đến mục tiêu ở cự ly khoảng 1.000 km thì dù bay ở tốc độ cực đại của nó thì khoảng hơn một giờ sau nó mới tiếp cận được mục tiêu. Với thời gian đó thì đối phương có thừa thời gian để triển khai một lưới lửa phòng không đon giản mà hiệu quả.
Tên lửa hành trình bay xa thì phải mang nhiều nhiên liệu. Để tránh phải mang quá nhiều thì không còn cách nào khác nó phải sử dụng loại động cơ chỉ cần mang theo chất cháy còn chất ô xi hóa lấy từ không khí.
Vì thế trên thân của nó phải có miệng hút khí và khi bay dòng khí đi vào miệng nó phải ổn định thì động cơ mới hoạt động tốt. Điều đó bắt buộc nó phải bay theo đường bay ổn định và hầu như không cơ động. Hậu quả là rất dễ đón lõng.
Cơ chế tiêu diệt mục tiêu của tên lửa hành trình Tomahawk (trên) và Kalibr (dưới).
Ngoài những khoang cần thiết như mọi tên lửa thì nó phải mang nhiều nhiên liệu, nên trên thân nó phải bố trí khoang chứa nhiên liệu dài hơn và thậm chí là không phải một khoang.
Khi bay nhiên liệu bị tiêu hao dẫn đến tâm khối của quả đạn thay đổi. Hậu quả là nếu độ ổn định giảm thì tên lửa dễ mất điều khiển, nếu độ ổn định tăng thì tên lửa rất ỳ và rất dễ đón lõng.
Khi bay xa và bị chủ bỏ quên thì nó phải tự dẫn lấy đường. Ở giai đoạn đầu chắc chắn nó phải bay theo phương pháp dẫn đường quán tính mà nguyên lý của phương pháp này là việc cộng dồn, nên khi có sai số thì sai số được tích lũy kiểu như lãi mẹ đẻ lãi con.
Để khắc phục sai số về mặt nguyên lý này thì không có cách nào khác là phải hiệu chỉnh quỹ đạo bằng nguyên lý khác.
Thông thường hiện nay người ta hiệu chỉnh bằng định vị vệ tinh nhưng điều này cũng bị hạn chế vì định vị một vật thể đang chuyển động nhanh lại phạm một sai lầm nguyên lý theo nguyên tắc bất định – khi xác định được vị trí của nó thì nó đã không ở vị trí đó nữa.
Tóm lại, quỹ đạo bay của tên lửa hành trình rất khó đảm bảo chính xác. Nếu hiệu chỉnh bằng định vị vệ tinh thì cũng rất dễ bị gây nhiễu.
Khi bay thấp thì tên lửa hành trình hầu như không dám bay vào vùng có địa hình đồi núi phức tạp vì nếu nó có được trang bị các thiết bị đo cao thì việc hiệu chỉnh theo độ cao cũng rất hạn chế. Nếu hiệu chỉnh theo đo cao khí áp thì không bay được ở vùng đồi núi vì bộ đo cao này chỉ cho tên lửa biết độ cao so với mặt nước biển chứ không phải so với địa hình thực tế.
Vì vậy trên tên lửa hành trình lại phải kết hợp đo cao vô tuyến mà nguyên lý hoạt động của nó như radar. Nó phóng tín hiệu vô tuyến xuống mặt đất, thu tín hiệu phản xạ, so sánh với nó để xác định độ cao. Tín hiệu thu này bị nhiễu rất lớn hơn nữa khi tên lửa bay nhanh đòi hỏi các thiết bị phải xử lý rất nhanh. Điều này rất khó khăn.
Quỹ đạo bay của tên lửa hành trình Kh-35.
Ta hình dung khi gặp quả đồi tên lửa phải đo được độ cao từ quả đồi đến nó, các thiết bị trên nó phải xử lý để xác định chính xác độ cao và truyền đến bộ điều khiển. Bộ điều khiển ra lệnh cho cánh lái độ cao phải lệch cánh một góc thích hợp để nâng tên lửa lên. Nhưng với thời gian đó thì tên lửa vẫn lao đi và có khi đã đâm vào đồi.
Như vậy, nó phải tránh vùng địa hình phức tạp nên càng dễ đón lõng. Hơn nữa người ta rất dễ gây nhiễu cho bộ đo cao vô tuyến.
Đế khắc phục nhược điểm về thiếu độ chính xác như trên đã nêu thì ở giai đoạn gần mục tiêu tên lửa được hiệu chỉnh theo bản đồ số hay theo camera truyền hình.
Điều này thực ra rất dễ đối phó vì người ta có thể dùng phương pháp ngụy trang để thay đổi địa hình gần mục tiêu cần bảo vệ, tất nhiên phải bí mật không cho gián điệp nằm vùng biết được. Ngoài ra, có thể gây khói làm mù camera truyền hình và tên lửa không nhận ra mục tiêu.
Tóm lại để đối phó với tên lửa hành trình không cần phải dùng các hệ thống phòng không hiện đại hay đúng hơn là không thể dùng, mà cần luyện tập đón lõng bằng súng bộ binh các loại. Để phát hiện mục tiêu thì cần có tin tình báo để cảnh giác trước còn khi có tình huống thì có thể phát hiện bằng tai và mắt rồi truyền tin theo điện thoại thông thường.
Hướng cần nghiên cứu: Gây nhiễu sóng GPS, gây nhiễu bộ đo cao vô tuyến và phát hiện mục tiêu tàng hình bằng mạng điện thoại di động theo nguyên lý mạng nhện – một con ruồi mắc vào mạng thì làm cả mạng rung chuyển.
Bài viết của Đại tá, tiến sỹ Phan Văn Từ, nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, Bộ Quốc phòng.