Đối với một ý thức mới về lịch sử, việc nhìn tận mắt những di tích sống của quá khứ không đủ. Còn cần một chiều kích khác nữa, mà ta gọi là những vĩ độ thời gian, cái nhìn về tính đồng thời, ý thức về những gì đã xảy ra trên thế giới vào cùng một thời gian. Đây là một sự khám phá phức tạp hơn nhiều, chỉ có thể đạt đến qua những con đường quanh co và đầy bất ngờ.
Từ ngàn xưa, người ta vẫn đánh dấu những biến cố tại nơi họ sống bằng năm trị vì của vua, hay bằng những sự kiện có ý nghĩa địa phương khác. Năm 1900 Công Nguyên thì được người Trung Hoa tính là năm 26 đời Quang Tự, nhưng ở Nhật Bản vẫn gọi là năm 33 đời Minh Trị. Tại Ấn Độ, người Ấn thời cổ đánh dấu niên lịch bằng các triều đại, nhưng những người Phật giáo lại tính từ ngày Đức Phật chết và đạt Niết bàn năm 544 trước Công nguyên Người Ấn cũng dùng kỷ nguyên “Kali”, một chu kỳ nhỏ của đại chu kỳ mahayuga gồm 4,320,000 năm thiên thể và chu kỳ yuga gồm 432,000 năm. Các lối tính lịch khác của Ấn Độ dựa vào một trận chiến hay một cuộc cải cách lịch nào đó. Tất cả các lối tính đều trở nên rắc rối do những biến đổi giữa năm mặt trăng và năm mặt trời. Mọi nền văn minh lớn thời cổ (Rôma, Hi Lạp, Ai Cập, Babylon và Syria) đều có cách tính lịch riêng. Cách tính của người Rôma lấy mốc nguyên thủy là năm xây dựng thành phố cũng được những nơi khác theo. Lịch Hồi giáo, tính từ kỷ nguyên Hegira bắt đầu ngày 16 tháng 7, 622, chỉ được áp dụng 17 năm sau biến cố và vẫn còn dùng năm âm lịch.
Tại châu Âu Kitô giáo, cách tính mới - trước Công nguyên hay Công nguyên - diễn tả niềm tin ban đầu của người Kitô hữu vào một biến cố độc nhất vô nhị, đó là sự giáng sinh của Chúa Kitô, là biến cố tạo ý nghĩa và hướng đi cho tất cả lịch sử. Nhưng lối tính này chỉ được phát triển từ từ. Người Do Thái giáo thì tin ở biến cố độc nhất là cuộc Tạo Dựng và năm 1900 của Kitô giáo là năm Anno Mundi 5661 của Do Thái giáo. Nhiều thế kỷ đã đi qua sau biến cố Chúa giáng sinh, trước khi hệ thống tính mốc lịch hiện nay được sử dụng. Người sáng chế ra năm Công Nguyên (A.D. = Anno Domini) là Dionysus Exiguus (500-560), một thầy tu, nhà toán học và thiên văn học. Ông đã tìm cách để có thể tính trước một cách đích xác ngày Lễ Phục Sinh, thường được nhất trí là xảy ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn hay sau ngày xuân phân 21 tháng 3. Điều này có nghĩa là ở thế giới Kitô giáo phương Tây, Lễ Phục Sinh có thể rơi vào bất kỳ ngày nào từ 21 tháng 3 tới 25 tháng 4. Lễ Phục Sinh luôn luôn chi phối Năm Kitô giáo vì nó là ngày mốc để tính các lễ di động khác. Nhưng phương pháp để tính trước ngày Lễ Phục Sinh cho các thập niên trong tương lai đã gặp rắc rối và là đề tài tranh cãi muôn thuở. Dù đã có nhiều cố gắng thỏa hiệp, ngày Lễ Phục Sinh vẫn còn chia rẽ các giáo hội phương Đông với các giáo hội phương Tây. Nhưng lối tính lịch Kitô giáo của Dionysus Exiguus lấy điểm mốc là năm sinh của Chúa Giêsu sẽ được hầu hết thế giới không Kitô giáo chấp nhận, trừ Hồi giáo. Sai lầm trong cách tính lịch của Dionysus Exiguus chỉ là một chi tiết. Ông đã tính là năm sinh của chúa Giêsu phải là năm 763 tính từ ngày xây dựng thành Rôma. Nhưng các nhà nghiên cứu Kinh Thánh ngày nay dựa theo các sách Tin Mừng đã nhất trí rằng năm sinh Chúa giáng sinh phải xảy ra trước năm Herođê chết, nghĩa là không thể sau năm 4 trước Công nguyên
Năm 525 Công nguyên Dionysus Exiguus đã đề nghị giáo hoàng sử dụng thuật ngữ “Công nguyên”. (Công Nguyên, tiếng La tinh là A.D. Anno Domini, năm của Chúa) để làm mốc tính thời gian. Dần dần, qua việc sử dụng các Bảng Ngày Lễ Phục Sinh của Dionysus tại châu Âu Kitô giáo, thuật ngữ Anno Dimini tính từ năm sinh của Chúa Giêsu đã thay thế mọi hệ thống khác. Nhưng phải đến thế kỷ 17, các nhà nghiên cứu mới bắt đầu dùng thuật ngữ “trước Công nguyên” để đánh dấu những năm tính từ năm sinh của Chúa Giêsu trở về trước.
Nhưng còn ngày đầu mỗi năm được tính vào ngày nào? Trước kia có rất nhiều cách tính, gồm ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Lễ Đức Mẹ (Lễ Truyền Tin, 26 tháng 3), lễ Phục Sinh và ngày 1 tháng 1. Và ngày đầu năm này vẫn còn gây nhiều lẫn lộn.
Thói quen mới tính ngày đầu năm là 1 tháng 1 là một sự quay trở về lối tính của dân ngoại, vì đó là ngày bắt đầu năm theo lịch Rôma và vì thế Giáo Hội luôn luôn chống lại lối tính này. Nhưng dần dần lối tính này đã được phổ biến và đến cuối thế kỷ 16 nó đã trở thành lệ chung ở châu Âu. Giáo hoàng Gregoriô XIII khi làm cuộc cải cách lịch năm 1592 cũng đã chiều theo lối tính của người ngoại giáo này và lấy ngày 1 tháng 1 làm ngày đầu năm. Kiểu Mới này đã tạo ra một số rắc rối cho những sử gia thời mới. Các nước thuộc Giáo hội Công giáo Rôma mau chóng chấp nhận lịch cải cách hợp lý của giáo hoàng Gregorio, nhưng các Giáo hội Tin Lành và Chính Thống giáo phương Đông không theo lịch giáo hoàng. Trong gần hai thế kỷ, người Anh thà chịu những bất tiện hơn là sống theo lịch giáo hoàng, vì các mùa từ lâu nay đã không còn ứng với các chu kỳ mặt trăng nữa.
Sau cùng, năm 1751, Philip Dormer Stanhope, Bá tước thứ tư của Chesterfield (1694-1773), một người có đầu óc phóng khoáng, đã đề nghị Quốc Hội chấp nhận Lịch Mới (không còn gọi là lịch “Gregorio”).