Những virus nhân tạo chết chóc mà con người không thể chống đỡ nếu đại dịch xảy ra

  •  
  • 1.401

Chỉ là virus nhân tạo, nhưng vì vậy mà nó sẽ trở nên nguy hiểm nếu lọt ra ngoài.

Clade X - virus cúm bùng phát từ phòng thí nghiệm tại Đức và Venezuela - là một trong những virus nguy hiểm nhất trong lịch sử. Nó có một số đặc điểm vay mượn từ virus Nipah tại Ấn Độ. Và chỉ trong vòng 1 năm, virus đã giết chết 150 triệu người.

May mắn thay, Clade X không phải là virus có thật, và câu chuyện chúng ta vừa nói chỉ là phiên bản giả lập do các nhà khoa học Mỹ thực hiện. Tất cả nhằm kiểm chứng xem chuyện gì sẽ xảy ra với thế giới nếu một dịch bệnh như vậy thực sự xảy ra.

Nhưng dù Clade X chỉ là câu chuyện giả tưởng, thì nỗi sợ về một dịch bệnh con người không thể trở tay là hoàn toàn có thực.


Clade X không phải là virus có thật.

Khi công nghệ sinh học gây căng thẳng trong giới khoa học

Mới đây, các nhà khoa học từ quân đội Mỹ đã thực hiện một bản đánh giá, xếp hạng các mối nguy đến từ công cụ chỉnh sửa gene tối tân nhất hiện này là CRISPR. Công nghệ cho phép thay đổi, cắt dán một cách cực kỳ chi tiết các dạng sống, và nó hoàn toàn có thể gây thảm họa nếu được sử dụng vì mục đích xấu.

"Bản thân công nghệ tổng hợp sinh học không hề xấu. Mối lo ở đây đến từ các ứng dụng của nó thôi" - Michael Imperiale, chuyên gia vi sinh học từ ĐH Michigan cho biết.

Những gì công nghệ này có thể làm được thực sự gây lo ngại. Như năm 2017, một nhóm các nhà khoa học tại Canada đã khiến cộng đồng phải phẫn nộ khi ghép lại hoàn chỉnh ADN của virus gây đậu mùa ngựa (horsepox) - vốn đã tuyệt chủng từ lâu.

Dù thành công này có thể trợ giúp cho nghiên cứu vaccine và ung thư, nhưng cộng đồng khoa học tin rằng nó sẽ đặt thế giới trước nguy cơ nhiễm đậu mùa một lần nữa.

Theo Imperiale, mã di truyền của các loại virus trên động vật có thể tìm thấy rất dễ dàng trên internet, và giờ dễ dàng được tổng hợp lại, thì khả năng tái sinh các loại virus gây nguy hiểm là hoàn toàn có khả năng.

"Công nghệ cho phép làm điều đó giờ đã thành thực rồi" - Imperiale chia sẻ. "Dù cần chuyên môn, nhưng để làm ra nó thì không khó."

Một lo ngại khác từ công nghệ này, đó là khả năng khiến các vi khuẩn hoặc virus hiện tại trở nên nguy hiểm hơn. Chẳng hạn, một cá nhân "táy máy" nào đó lại thử cải tiến khả năng kháng thuốc của vi khuẩn, thay đổi cơ chế gây độc, hoặc khiến nó miễn dịch với vaccine hiện tại thì sao nhỉ?

Hay thậm chí, ngay cả bộ vi khuẩn trong ruột người cũng có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm, nếu được chỉnh sửa thành các vi khuẩn gây bệnh với khả năng lây từ người sang người.


Sở hữu công nghệ chỉnh sửa gene chính xác cực cao, con người đang nắm trong tay một thứ vũ khí nguy hiểm.

Là hư cấu hay mối nguy có thực?

Dù nghe như những kịch bản phim viễn tưởng, nhưng các chuyên gia đánh giá rằng đây là những mối nguy hoàn toàn có thực, nhất là khi hiểu biết của con người về sinh học tổng hợp đang dần được cách mạng hóa.

"Một số ứng dụng nguy hiểm hiện vẫn chỉ là trên lý thuyết. Nhưng nếu thực sự đào sâu nghiên cứu thì không có gì là không được, và mối nguy hoàn toàn có thể xảy ra" - Imperiale cảnh báo.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Clade X sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Việc tạo ra một virus mới có nhiều trở ngại, nên một thảm họa sinh học kiểu Clade X sẽ khó mà xảy ra - ít nhất là trong bối cảnh hiện tại.

"Việc cải tiến một virus sẵn có cần nhiều yếu tố, và tất nhiên là rất khó, nên chưa phải là mối đe dọa chính ở thời điểm hiện tại" - trích trong báo cáo của Imperiale. Nhưng điều này không có nghĩa là con người được phép chủ quan, vì nếu một virus như vậy được tạo ra, thảm họa sẽ là rất lớn do nhân loại không có sự chuẩn bị kịp thời.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biodefence in the Age of Synthetic Biology.

Cập nhật: 22/06/2018 Theo helino
  • 1.401