Chiều 4/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã công bố quyết định trao Giải Nobel Vật lý 2005 cho hai nhà khoa học Mỹ và một nhà khoa học Đức do đã thúc đẩy công nghệ quang học để làm cho laser, công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu và các phương pháp khác chính xác hơn.
Roy J. Glauber, | John L.Hall | Theodor W. Hänsch |
Với những đóng góp cho thuyết lượng tử gắn kết quang học, mô tả tính chất của các hạt ánh sáng về mặt lý thuyết, TS Roy J. Glauber (80 tuổi) thuộc ĐH Harvard sẽ được nhận 1/2 Giải thưởng. Một nửa Giải thưởng còn lại thuộc về TS John L.Hall (71 tuổi) ở ĐH Colorado và GS.TS Theodor W. Hänsch (63 tuổi) thuộc Viện Quang học lượng tử Max-Planck. Hall và Hänsch đã góp phần vào sự phát triển của quang phổ học chính xác dựa trên cơ sở laser, nghĩa là xác định màu ánh sáng của nguyên tử và phân tử với độ chính xác cực cao.
Giống như sóng radio, ánh sáng là một dạng bức xạ điện từ. Maxwell đã mô tả điều này trong những năm 1850. Lý thuyết của ông đã được sử dụng trong công nghệ thông tin hiện đại, dựa trên máy phát và thu tín hiệu: điện thoại di động, vô tuyến và radio. Nếu máy thu hoặc máy dò muốn ghi nhận được ánh sáng, nó phải có khả năng hấp thụ năng lượng bức xạ và chuyển tiếp tín hiệu này. Năng lượng bức xạ xuất hiện trong những gói nhỏ gọi là lượng tử. Cách đây 100 năm, Einstein đã chỉ ra làm thế nào mà việc hấp thụ một lượng tử (một photon) lại dẫn tới việc giải phóng quang điện tử. Chính những quang điện tử gián tiếp này được ghi lại trong các thiết bị khi photon được hấp thụ.
Do vậy, ánh sáng bộc lộ bản chất kép, vừa có thể coi nó là sóng vừa là một chùm hạt. Roy Glauber đã thiết lập cơ sở của Quang lượng tử. Ông có thể giải thích sự khác biệt căn bản giữa những nguồn sáng nóng chẳng hạn như bóng dây tóc nóng sáng và laser. Còn đóng góp quan trọng của John Hall và Theodor Hänsch đã giúp con người có thể đo được các tần số với độ chính xác 15 chữ số. Giờ con người có thể tạo ra laser với những màu sắc cực kỳ sắc nét. Và với kỹ thuật lược tần số, giới khoa học có thể đưa ra những số ghi chính xác về ánh sáng thuộc mọi màu sắc. Nhờ kỹ thuật này mà con người có thể tiến hành những nghiên cứu chẳng hạn như sự ổn định của các hằng số tự nhiên theo thời gian, chế tạo những chiếc đồng hồ cực kỳ chính xác và cải thiện công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GPS).
Giải Nobel Vật lý đầu tiên (năm 1901) được trao cho Wilhelm Röntgen do đã khám phá ra tia X. Với đóng góp to lớn cho vật lý lý thuyết và khám phá ra quy luật hiệu ứng quang điện, Albert Einstein đã được trao Giải Nobel Vật lý trong năm 2001. Tới nay, tổng cộng có 176 nhà khoa học được trao Giải Nobel Vật lý. Giải Nobel Vật lý 2005 gồm một tấm séc gần 1,3 triệu USD, huy chương Nobel và bằng chứng nhận. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10/12 - ngày mất của Nobel năm 1896.
Minh Sơn (Tổng hợp)