Nói biến đổi khí hậu hay ấm lên toàn cầu?

  •  
  • 952

Một nghiên cứu mới đây của đại học Yale phát hiện hai thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau là "Sự ấm lên toàn cầu""Sự biến đổi khí hậu" lại nhận được những phản ứng rất khác nhau.

Theo báo Anh Guardian, tổng thống Mỹ Barack Obama, giới khoa học và những nhà vận động tranh cử ở Mỹ đều đã và đang phải tìm hiểu xem làm thể nào để thu hút người dân Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường. Và giờ các nhà nghiên cứu đã tìm ra cho họ một gợi ý: hãy dùng từ "Global warming" (sự ấm lên toàn cầu) thay vì "Climate change" (sự biến đổi khí hậu).

Một báo cáo mới được công bố vào thứ Ba vừa qua cho thấy: thuật ngữ "sự ấm lên toàn cầu" được sử dụng để mô tả những vấn đề môi trường lớn, nghiêm trọng trong khi đó, cụm từ "biến đổi khí hậu" lại không thu hút được bất kỳ sự chú ý nào.

Nói biến đổi khí hậu hay ấm lên toàn cầu?
Thuật ngữ "Sự ấm lên toàn cầu" khiến người nghe liên tưởng đến hình ảnh về băng tan

Mặc dù hai thuật ngữ này thường được dùng để thay thế cho nhau, nhưng nghịch lý thay, theo các nhà nghiên cứu đến từ Dự án Truyền thông về Biến đổi khí hậu của đại học Yale, sự quan tâm của dư luận Mỹ dành cho hai cụm từ này là hoàn toàn trái ngược.

Nhà khoa học Anthony Leiserowitz của đại học Yale, một trong những người đứng đầu dự án này, nói: "Hai cụm từ này được lắng nghe và hiểu theo hai hướng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy việc lựa chọn sử dụng thuật ngữ nào là rất quan trọng, tùy vào người mà bạn đang giao tiếp".

Theo bản báo cáo này, thuật ngữ "Sự ấm lên toàn cầu" có sức nặng hơn hẳn. Nó khiến người nghe liên tưởng đến những hình ảnh về băng tan, thời tiết cực đoan hay các thảm họa tự nhiên. Trong khi đó, nói đến "Sự biến đổi khí hậu" sẽ khiến nhiều người Mỹ xao lãng, không quan tâm đến vấn đề nữa.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng việc đặt tên cho vấn đề liên quan đến "Sự ấm lên toàn cầu" thay vì "Sự biến đổi khí hậu" sẽ giúp chúng ta dễ dàng kết nối với người nghe hơn. Về tổng thể, tỷ lệ người Mỹ được hỏi có xu hướng nghĩ rằng ấm lên toàn cầu là một vấn đề cần được giải quyết cao hơn 13% so với phần còn lại.

Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn nhiều trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Latinh, phụ nữ và thanh niên. Cụ thể, tỷ lệ người Mỹ gốc Latinh coi ấm lên toàn cầu là một sự đe dọa tới cá nhân cao hơn 30% so với thay đổi khí hậu. Sự chênh lệch về tỷ lệ này đối với nhóm người Mỹ gốc Phi là 20%.

Năm 2002, cựu tổng thống George W. Bush từng cố gắng thay thuật ngữ ấm lên toàn cầu bằng biến đổi khí hậu, theo khuyến nghị của nhà tư vấn chính trị của Đảng Cộng hòa, ông Frank Luntz.

Nói biến đổi khí hậu hay ấm lên toàn cầu?
Cựu tổng thống Mỹ Geogre Bush

Trong một bản ghi nhớ ngay trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Luntz đã cảnh báo các Nghị sĩ Đảng Cộng hòa – và cụ thể là Tổng thống Bush – lúc đó đang rất yếu thế về khía cạnh môi trường. Ông đã đưa ra một chiến lược về tranh luận trong vấn đề khoa học khí hậu, trong đó có nói đến việc tránh dùng cụm từ "ấm lên toàn cầu" vì ý nghĩa tiêu cực của nó.

"Đã đến lúc chúng ta bắt đầu nói "biến đổi khí hậu" thay vì "ấm lên toàn cầu" vì nó mang ý nghĩa ít tiêu cực hơn", theo bản ghi nhớ được lưu trữ.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực thay đổi đã hoàn toàn thất bại

Chính quyền của tổng thống Obama, các khoa học gia và các tổ chức vận động tranh cử cũng đều phải vật lộn với việc truyền thông cho người dân Mỹ về vấn đề khí hậu toàn cầu. Các quan chức trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama đều tránh nói đến cả hai thuật ngữ này vì họ nghĩ rằng nó sẽ tạo cơ hội để Đảng Cộng hòa phản bác lại. Thay vào đó, họ dùng những thuật ngữ như "năng lượng sạch" hay "việc làm xanh".

Về phần các nhà khoa học, họ thường sử dụng "biến đổi khí hậu" thay vì "ấm lên toàn cầu" vì các lý do kỹ thuật. Trong khi đó, các tổ chức vận động tranh cử thì cho rằng "ấm lên toàn cầu" mang quá nhiều yếu tố chính trị, và sử dụng "biến đổi khí hậu" sẽ dễ chiếm được cảm tình của các đảnh viên Đảng Cộng hòa hơn (chính quyền của cựu Tổng thống Bush cũng ưu tiên dùng "biến đổi khí hậu")..

Nói biến đổi khí hậu hay ấm lên toàn cầu?

Bản báo cáo này dựa trên việc điều tra 1657 người, cho thấy một lượng lớn người Mỹ bỏ ngoài tai cụm từ "biến đổi khí hậu".

"Việc sử dụng thuật ngữ "biến đổi khí hậu" thực sự làm giảm sự quan tâm của người dân Mỹ, từ đảng viên Đảng Dân chủ, cho tới những người theo chủ nghĩa tự do, những người ôn hòa, cũng như những nhóm người khác trong công đồng Mỹ, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người Mỹ thuộc các thế hệ khác nhau, và vượt qua ranh giới chính trị và đảng phái" – theo bản báo cáo – "Nếu như ấm lên toàn cầu mang một ý nghĩa tiêu cực, thì biến đổi khí hậu có sự kiểm soát và ít thách thức về mặt cảm xúc hơn".

Cũng theo bản báo cáo, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy việc dùng thuật ngữ biến đổi khí hậu đã đem lại lợi thế cho Đảng Dân chủ trước Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vừa qua.

Kết lại, khoa học gia Leiserowitz nói: "Bản báo cáo này đại khái giống như một lời cảnh tỉnh. Nó cho ta thấy sự phức tạp của vấn đề này và vì vậy, phải biết lựa chọn từ ngữ phù hợp với người mà bạn đang giao tiếp, nếu không bạn sẽ không thể thu được kết quả như bạn mong đợi".

Theo Vnreview
  • 952