Nữ sinh trung học chế "thuốc" sát khuẩn 3 trong 1 từ dược liệu tự nhiên

  •  
  • 846

Không chỉ sát khuẩn, dung dịch của hai bạn còn có tác dụng cầm máu, làm mờ sẹo và kích thích hình thành da mô mới. Đặc biệt, các nguyên liệu để làm ra thuốc có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên.

Dung dịch cầm máu, sát khuẩn hoàn toàn tự nhiên

Trong dân gian, cây cỏ mực, ngải cứu, củ nghệ dùng để xoa vào vết thương, lở loét... Chính vì thế, hai bạn Mai Thị Kiều Nhi và Phạm Thị Khánh Hà (trường THCS Phú Đa, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã có ý tưởng kết hợp 3 loại dược thảo trên để tạo thành dung dịch cầm máu, sát khuẩn hoàn toàn tự nhiên.

Mai Thị Kiều Nhi và Phạm Thị Khánh Hà bên cạnh sản phẩm của mình.
Mai Thị Kiều Nhi và Phạm Thị Khánh Hà bên cạnh sản phẩm của mình. (Ảnh: NVCC).

Trong vòng 5 tháng trời, các em đã làm ra sản phẩm bằng phương pháp thủ công. Đầu tiên, các em chọn nguyên liệu cây cỏ mực, cây ngải cứu, củ nghệ rửa sạch để ráo nước. Xay nhuyễn các nguyên liệu theo từng loại với tỷ lệ: 100 gam cỏ mực kết hợp với 200ml cồn Ethanol 900, 100 gam lá ngải cứu kết hợp với 200ml cồn Ethanol 900, 500 gam củ nghệ kết hợp với 100ml cồn Ethanol 900.

Sau khi xay xong, cho nguyên liệu đó vào chai nhựa để trong hai ngày. Sau đó, tiến hành lọc lấy dịch chiết, thay dung môi mới và ngâm tiếp trong hai ngày. Tiếp theo, để dung môi bay hơi trong bình chứa có mặt thoáng rộng cho đến khi dịch chiết trở nên đặc, sánh. Quá trình này mất khoảng 10 ngày. Sau đó, lọc tinh chất của các nguyên liệu theo từng loại và pha trộn 40% tinh chất dung dịch từ cỏ mực cộng 40% tinh chất dung dịch từ ngải cứu và củ nghệ.

Khả năng cầm máu, sát khuẩn được thí nghiệm trên động vật và người đều đạt hiệu quả chất lượng.
Khả năng cầm máu, sát khuẩn được thí nghiệm trên động vật và người đều đạt hiệu quả chất lượng. (Ảnh: Nhật Tuấn).

“Sử dụng dung môi cồn Ethanol 900 nhằm tránh trường hợp các nguyên liệu trong thời gian bảo quản bị thiu, thối, mất chất, mất màu, giúp giữ được chất lượng của nguyên liệu ban đầu, đáp ứng khâu bảo quản tốt”, Kiều Nhi cho biết thêm.

Dung dịch đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế Thừa Thiên Huế. Kết quả thu được, các chỉ tiêu vi sinh và chỉ tiêu hóa lý về kim loại nặng không phát hiện. Dung dịch có thể cầm máu, sát khuẩn sau khoảng từ 10-20 giây khi nhỏ dung dịch lên vết thương.

Dung dịch bôi lên vết thương, vết lở vừa cầm máu vừa sát khuẩn và kích thích hình thành da mô mới. Sản phẩm gọn nhẹ, tiện lợi khi mang theo để sơ cứu khi gặp phải vết thương đang chảy máu mà không có thuốc tây y hay trạm y tế nào gần đó để băng bó cầm máu vết thương.

Nhận sự phản hồi tích cực từ người dùng

Theo Khánh Hà, cỏ mực, ngải cứu, củ nghệ tươi là cây cỏ tự nhiên mọc khắp nơi, dễ trồng, dễ tìm, rất thuận lợi trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu chế biến và có khả năng áp dụng đại trà cao.

Sản phẩm không gây tác dụng phụ nào đến sức khỏe vì các nguyên liệu đều lành tính, có nguồn gốc thiên nhiên, không có thành phần hóa học, an toàn, thân thiện với môi trường.

Chi phí để làm ra sản phẩm không nhiều, bởi cỏ mực, ngải cứu tự thu hái từ địa phương, không cần phải mua. Ước tính, để làm ra 100ml dung dịch mất chi phí khoảng 15.000 - 20.000 đồng.

Đề tài đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế 2018
Đề tài đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế 2018 và đang dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng cấp Quốc gia. (Ảnh: Nhật Tuấn).

Khánh Hà cho hay: “Chúng em đã giới thiệu sản phẩm này với bạn bè, thầy cô và một số hộ dân cư nơi mình sinh sống. Kết quả là nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Đa số mọi người đều khen về sự tiện lợi và có tính hiệu quả tốt cho sức khỏe khi điều trị sơ cứu vết thương."

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, cô Phan Thị Thanh Hương - Giáo viên hướng dẫn, cho biết Hà và Nhi là hai học sinh học giỏi, chăm ngoan.

“Kết quả hôm nay của các em là rất xứng đáng vì sự chịu khó, kiên trì và quan trọng là các em có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Sản phẩm có giá thành rẻ nên càng dễ dàng tiêu thụ vì đáp ứng nhu cầu người mua và góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế cao đối với người sản xuất”, cô Hương chia sẻ.

Cập nhật: 28/09/2018 Theo khampha
  • 846