Nước thải chảy tràn đô thị

  •  
  • 1.317

Khu vực đô thị và khu công nghiệp mỗi ngày thải khoảng 3.110.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất xả trực tiếp vào nguồn nước mặt.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hệ thống các ao, hồ, kênh, rạch ở các thành phố lớn đều ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép 5-10 lần; các hồ trong nội thành tại các thành phố lớn hiện nay (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế) phần lớn vẫn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng hóa đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ.

Đô thị: Đầy nước thải

Khu xử lý rác thải Nam Sơn, Hà Nội

Khu xử lý rác thải Nam Sơn, Hà Nội
(Ảnh: Kiều Minh)

Ngoài ra, hàm lượng các chất ô nhiễm (COD, tổng nitơ, tổng phốt pho và kim loại nặng) ở các bãi chứa rác hoặc chôn lấp rác rất cao, nước có độ màu lớn. Khi xả vào môi trường, nước rỉ rác thường gây ô nhiễm trầm trọng cho các vực nước mặt cũng như vực nước ngầm xung quanh.

Cùng với các loại nước thải nêu trên, khoảng 1.000 bệnh viện và trung tâm y tế (tính đến cấp huyện) mỗi ngày thải ra hàng trăm nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý không đạt tiêu chuẩn môi trường. Đây là nguồn thải chứa nhiều thành phần nguy hiểm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường.

Không những thế, lượng hóa chất bảo vệ thực vật hàng năm trong nông nghiệp khoảng 0,5-3,5kg/ha/vụ cùng với sự lượng hóa chất BVTV và phân khoáng trong hoạt động sản xuất sản xuất cũng gây phú dưỡng hoặc nhiễm độc nước. Khỏang 1.450 làng nghề cũng tạo nên một lượng chất thải xả vào môi trường gây ô nhiễm trầm trọng môi trường tại nhiều điểm, nhất là các làng nghề sản xuất giấy, giết mổ gia súc, dệt nhuộm...

Cụ thể, tại Hà Nội, tổng lượng nước thải sinh hoạt xả mỗi ngày khoảng 450.000m3/ngày đêm; nước thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ đổ vào hệ thống thoát nước TP khoảng 260.000m3/ngày đêm; các sông nội thành Hà Nội đã bị ô nhiễm, đặc biệt là các sông thoát nước thải như Kim Ngưu, Tô Lịch... các sông này không còn khả năng tự làm sạch. Chất lượng nước các hồ nội thành cũng không đạt tiêu chuẩn cho phép lọai B do ô nhiễm hữu cơ.

TP Hồ Chí Minh, với khoảng 1.000 xí nghiệp công nghiệp và hơn 22.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong đó nhiều đơn vị không có hệ thống xử lý chất thải dẫn đến môi trường nước mặt bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh.

Hoạt động giao thông thủy cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm dầu, axit hóa tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cùng với các nguyên nhân do kahi thác và cải tạo đất phèn trên khu vực, sử dụng phân khoáng có đặc tính chua... Trong đó mức độ ô nhiễm sông Sài Gòn có xu hướng tăng dần về phía hạ lưu.

Còn tại một số đô thị khác (Hải Phòng, Huế, Hạ Long, Vinh) không có sông nào đạt tiêu chuẩn cho phép loại A.

Xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị

Xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến

Xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến
(Ảnh: Kiều Minh)

Theo Cục Bảo vệ môi trường, hiện nay nước ta chưa có bãi chôn lấp rác nào có hệ thống xử lý nước rỉ rác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo tiêu chuẩn Việt nam 5945-1995.

Trong khi đó, trong số 76 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất đang hoạt động chỉ có 16 trạm xử lý nước thải tập trung hoạt động với công suất 41.800m3/ngày. Công nghệ xử lý nước thải chủ yếu là sinh học hoặc hóa học kết hợp với sinh học. Lượng nước thải công nghiệp được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường còn rất thấp (4,26%).

TS Hoàng Dương Tùng, Cục Bảo vệ môi trường cho biết, hiện nay chỉ có một số TP như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long... có các trạm xử lý nước thải các loại với công suất trên 5.000m3/ngày đang trong giai đoạn thiết kế và xây dựng, chưa có trạm nào đi vào hoạt động. Một số TP và thị xã khác cũng đang xây dựng dự án xử lý nước thải đô thị với nguồn vốn từ các tổ chức, dự án quốc tế tài trợ.

Như đã nêu trên, công tác xử lý nước thải chưa được đẩy mạnh, tại một số đô thị cũng có xây dựng một số trạm xử lý nước thải cục bộ cho các bệnh viện như (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng...) nhưng do nhiều nguyên nhân như thiết kế, vận hành, bảo dưỡng, không có kinh phí... mà nhiều trạm xử lý sau một thời gian ngắn hoạt động đã xuống cấp và ngừng hoạt động.

Đối với các KCN tập trung, theo quy định phải xây dựng trạm xử lý nước thải đảm bảo TCVN 5945-95 nhưng các KCN này đã xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung rất hạn chế; các trạm xử lý nước thải cũng họat động không liên tục, mang tính đối phó, chất lượng xử lý không cao.

Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị Bùi Xuân Đoan cho rằng, cần thực hiện quy hoạch đồng bộ thống nhất công tác quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải tại các khu đô thị lớn với việc lập quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội,

Vùng TP Hồ Chí Minh, các vùng kinh tế trọng điểm, lập quy hoạch vùng tỉnh đối với các tỉnh chưa có quy hoạch. Trong đó, chú trọng các biện pháp nghiên cứu và áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật, sử dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam; huy động các nguồn vốn trong nước, vốn ODA để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

Kiều Minh

Theo VietNamNet
  • 1.317