Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu mô hình trang trại mini để có thể nuôi những con ốc sên khổng lồ châu Phi trên tàu vũ trụ.
Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu mô hình trang trại mini để có thể nuôi những con ốc sên khổng lồ châu Phi trên tàu vũ trụ. Đây sẽ là nguồn cung cấp protein chính cho các phi hành gia trong những chuyến dài ngày.
Thức ăn trên vũ trụ vẫn rất hạn chế, đa phần là các loại đồ ăn đóng hộp dễ bảo quản trong thời gian dài. Và hầu như không có các loại thức ăn tươi sống, do điều kiện trên vũ trụ cũng như không gian chật hẹp bên trong tàu vũ trụ. Việc chế biến đồ ăn sống trong tàu vũ trụ cũng rất khó khăn.
Do đó nghiên cứu này có thể giúp cải thiện việc ăn uống của các phi hành gia trong những chuyến du hành xa hơn, sắp tới có thể là đến sao Hỏa.
Nhà khoa học Vladimir Kovalev tại viện Sinh học ở Krasnoyarsk, thuộc vùng Siberia cho biết “ 2/3 lượng protein cần thiết để cung cấp cho các phi hành gia đến từ các loại thức ăn từ động vật. Tuy nhiên các phi hành gia không thể nuôi gia súc trong tàu vũ trụ để làm các món”.
Việc đưa động vật lên vũ trụ đã từng được tiến hành thử nghiệm rất nhiều lần trước đây, tuy nhiên một số loài động vật không thích nghi được với môi trường không trọng lực mà chết. Để chúng có thể chịu đựng được cần có một khóa huấn luyện đặc biệt, do đó nó không khả thi để đưa các loài động vật này lên vũ trụ và trở thành thức ăn cho các phi hành gia.
Sau rất nhiều những nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng loài ốc sên châu Phi có thể chịu đựng được các điều kiện bên trong tàu vũ trụ. Bên cạnh đó thịt ốc sên cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào.
Tiến sĩ Kovalev cho biết: “Trung bình một người có thể tiêu thụ khoảng 100 đến 150g thịt ốc. Như vậy chúng ta cần khoảng 700 đến 800 con ốc sên để cung cấp đủ lượng protein cho một phi hành gia trong chuyến du hành lên sao Hỏa”.
Theo chia sẻ của các nhà khoa học trong nghiên cứu này, thịt ốc sên có mùi vị giống gan và mặc dù mùi vị của nó không ngon như nhiều loại thịt khác nhưng cũng có thể chấp nhận được.
Loài ốc sên khổng lồ châu Phi có tên khoa học là Achatina fulica và là loài thân mềm sống trên cạn có nhiều thịt. Chúng có thể phát triển đến hơn 20 cm và sống đến 10 năm. Trong suốt quá trình sinh trưởng, nó không ngừng phát triển lớn hơn.