Ô nhiễm không khí gây hại tim như thế nào?

  •  
  • 36

Chất lượng không khí kém có thể gây tổn thương hệ thống tim mạch, đặc biệt ở những người lớn tuổi, người đã mắc bệnh về tim, tiểu đường.

Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của ô nhiễm không khí là tác động của nó đến sức khỏe tim mạch. Các hóa chất và hạt độc hại trong không khí có thể làm tim bạn căng thẳng, làm hỏng mạch máu và thậm chí gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Ô nhiễm không khí gây hại tim

Theo Hiệp hội Tim mạch châu Âu, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra hơn 3 triệu ca tử vong mỗi năm do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, nhiều hơn các yếu tố nguy cơ bệnh tim điển hình như tiểu đường, hút thuốc hoặc béo phì.

Không khí bị ô nhiễm có tác động rất lớn đến sức khỏe tim mạch
Không khí bị ô nhiễm có tác động rất lớn đến sức khỏe tim mạch. (Ảnh minh họa: Freepik).

Khi bạn hít thở không khí bẩn có chứa các hóa chất và hạt có hại, chẳng hạn hạt mịn (PM2.5), carbon monoxide và nitơ dioxide, chúng sẽ xâm nhập vào phổi, có thể đi vào máu. Theo Tổ chức Tim mạch Anh, các chất gây ô nhiễm không khí có thể:

  • Gây viêm và tổn thương mạch máu, làm tăng sự tích tụ mảng bám
  • Thu hẹp động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến tim
  • Tăng nguy cơ đông máu
  • Tăng huyết áp bằng cách làm tim bơm máu mạnh hơn
  • Làm gián đoạn hệ thống điện của tim, ảnh hưởng đến nhịp tim
  • Gây thêm căng thẳng cho tim bằng cách khiến nó phải làm việc nhiều hơn.

Do đó, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim như đau tim và đột quỵ, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tim hoặc sống ở khu vực bị ô nhiễm.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, việc tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí có thể gây ra nguy cơ đau tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim và suy tim ở những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn người già hoặc những người có bệnh lý từ trước. Tuy nhiên, rủi ro nguy hiểm tính mạng do ô nhiễm không khí và đau tim sẽ cao hơn nhiều khi tiếp xúc lâu dài.

Ai có nguy cơ cao hơn?

Theo Health Shots, một số người dễ bị bệnh tim hơn, đặc biệt nếu họ tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Những người có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Người lớn tuổi, đặc biệt là những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm, có nhiều khả năng mắc bệnh tim hơn.
  • Những người đã từng bị đau tim, đau thắt ngực, phẫu thuật bắc cầu, nong mạch (có hoặc không có ống đỡ động mạch), đột quỵ, tắc nghẽn động mạch, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Những người mắc các bệnh như tiểu đường hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Đàn ông trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi cũng dễ mắc bệnh tim hơn.
  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc đột quỵ, đặc biệt nếu bệnh xảy ra sớm.
  • Những người bị huyết áp cao hoặc mức cholesterol cao. Những người thừa cân, ít vận động hoặc hút thuốc lá.

Cách bảo vệ tim khỏi ô nhiễm không khí

Một số lời khuyên dưới đây giúp giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe tim mạch, cải thiện môi trường lành mạnh hơn cho bạn:

  • Hạn chế hoạt động ngoài trời
  • Tập thể dục trong nhà
  • Sử dụng máy lọc không khí
  • Đóng cửa sổ
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài
  • Bổ sung nước thường xuyên
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (quả mọng, quả hạch và rau lá xanh)
  • Ăn nhiều thực phẩm chứa axit béo omega-3 (dầu cá, hạt lanh và quả óc chó).

Những quốc gia có chất lượng không khí tốt nhất thế giới

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Những giải pháp mới chống ô nhiễm không khí

Cập nhật: 02/12/2024 Znews
  • 36