Một nghiên cứu mới đã tìm thấy ong mật có thể nhận ra khuôn mặt người trong các bức ảnh và ghi nhớ trong ít nhất 2 ngày. Kết quả có thể giúp tạo ra một phần mềm nhận diện khuôn mặt tốt hơn, thông qua việc nghiên cứu não côn trùng.
Nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng để có thể nhận diện khuôn mặt người cần một bộ não lớn, và một vùng chuyên biệt được dành riêng cho việc xử lý thông tin về khuôn mặt. Kết quả trên loài ong đã làm đảo lộn quan niệm này, nhà nghiên cứu đứng đầu Adrian G. Dyer tại Đại học Johannes Gutenberg, Đức, cho biết.
Dyer nói rằng theo những gì ông biết, đây là lần đầu tiên tìm thấy một loài động vật không xương sống có khả năng nhận ra khuôn mặt của loài khác. Nhưng không phải con ong nào cũng làm được việc này, một số con cũng nhầm lẫn, mặc dù nó bắt nguồn từ việc thiếu kinh nghiệm nhiều hơn là khả năng nhận diện kém. Trong khi đó một số người thậm chí không thể nhận ra nổi mặt người khác. Đó là tình trạng prosopagnosia.
Trong nghiên cứu về ong, Dyer và 2 cộng sự đã cho những con ong mật xem bức hình mặt người khác nhau. Các bức ảnh có ánh sáng, màu nền và kích cỡ tương tự nhau, chỉ bao gồm khuôn mặt và cổ để tránh bầy côn trùng đánh giá cả trang phục. Một số người còn có khuôn mặt tương tự nhau.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng đào tạo các con ong nhận ra bức ảnh của một người đàn ông bằng cách nhỏ một giọt đường bên cạnh. Các bức ảnh khác sẽ được thay thế bằng giọt đắng.
Một số con ong rõ ràng đã không nhận ra rằng chúng cần phải chú ý vào bức ảnh. Nhưng 5 con ong đã học cách bay tới bức ảnh theo đường chân trời để chúng có thể nhìn rõ, Dyer cho biết. Thực tế, những con ong này thường lượn vài cm trước bức ảnh một lúc rồi mới quyết định đỗ tại đâu.
Những con ong đã học cách phân biệt khuôn mặt với độ chính xác hơn 80%, kể cả khi các khuôn mặt hơi giống nhau, cho dù bức ảnh đặt ở đâu. Ngoài ra, cũng như con người, con ong cũng thực hiện kém hơn khi bức ảnh bị đặt lộn ngược.
"Đây là bằng chứng cho thấy việc nhận ra khuôn mặt không cần một vùng não chuyên biệt hay hệ thần kinh tiên tiến", các nhà nghiên cứu nhận định.
Hơn nữa, 2 con ong được kiểm tra 2 ngày sau cuộc đào tạo đầu tiên vẫn giữ được thông tin trong ký ức dài hạn. Một con đạt 94% trong ngày đầu tiên và 79% hai ngày sau đó, con ong thứ 2 giảm xuống từ 87% còn 76% trong cùng khoảng thời gian.
Dyer giải thích bầy ong có thể chả hiểu khuôn mặt người là gì. Với chúng đó chỉ là những mô hình không gian, hay những bông hoa lạ mắt. Ong vẫn nổi tiếng về khả năng nhận diện mô hình nhằm phân biệt các bông hoa. Là một loài mang tính cộng đồng cao, chúng cũng có thể phân biệt cả đồng loại. Nhưng nghiên cứu mới đã cho thấy chúng nhận diện mặt người tốt hơn cả một số người, chỉ với số tế bào não bằng 1/10.000.
Kết quả có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt tại sân bay và các địa điểm công cộng. Dyer cho rằng nếu ong có thể học cách nhận diện mặt người trong bức ảnh thì chúng cũng có thể nhận diện mặt người thật.