Phân biệt giữa bong gân cổ tay và gãy xương cổ tay

  •  
  • 513

Bong gân cổ tay xảy ra khi các dây chằng ở cổ tay giãn quá mức và bị rách (một phần hoặc toàn bộ). Gãy xương cổ tay xảy ra khi một trong các xương cổ tay bị gãy. Đôi khi, rất khó để chúng ta có thể phân biệt được giữa bong gân cổ tay và gãy xương cổ tay bởi cả hai chấn thương này đều có các triệu chứng như nhau và đều do các chấn thương tương tự gây ra – chống tay khi ngã hoặc cổ tay bị va đập trực tiếp.

Trên thực tế, trường hợp gãy xương cổ tay cũng bao gồm bong gân cổ tay. Việc xác định chính xác hai trường hợp chấn thương này đòi hỏi sự chẩn đoán y khoa (bằng X-quang), tuy nhiên bạn cũng có thể phân biệt bong gân và gãy xương cổ tay ngay tại nhà trước khi đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Mời các bạn tham khảo cách phân biệt giữa bong gân cổ tay và gãy xương cổ tay trong bài viết này nhé!

Phần 1: Chẩn đoán bong gân cổ tay

1. Thử cử động cổ tay và đánh giá

Thử cử động cổ tay và đánh giá

Bong gân cổ tay có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, tùy thuộc vào độ giãn hoặc rách một hoặc nhiều dây chằng. Trong trường hợp bong gân cổ tay nhẹ (mức độ 1), các dây chằng bị giãn nhưng không rách đáng kể; trường hợp trung bình (mức độ 2) chỉ tình trạng rách dây chằng khá nhiều (lên đến 50% số sợi) và có thể mất một số chức năng; trường hợp bong gân nặng (mức độ 3) chỉ tình trạng rách dây chằng nặng hơn hoặc đứt hoàn toàn.

Bạn vẫn có thể cử động cổ tay tương đối bình thường (mặc dù đau) nếu bị bong gân mức độ 1 và mức độ 2. Trường hợp bong gân mức độ 3 thường dẫn đến tình trạng không ổn định trong vận động vì các dây chằng gắn với xương cổ tay bị đứt hoàn toàn.

  • Chỉ một số trường hợp bong gân cổ tay mức độ 2 và mọi trường hợp bong gân cổ tay mức độ 3 mới cần chăm sóc y tế. Tất cả các trường hợp bong gân cổ tay mức độ 1 và hầu hết bong gân cổ tay mức độ 2 có thể điều trị tại nhà. Trường hợp bong gân cổ tay mức độ 3 có thể bao gồm tình trạng gãy lìa xương, khi dây chằng đứt rời khỏi xương và kéo theo một mảnh xương nhỏ.
  • Dây chằng cổ tay thường bị giãn nhất là dây chằng thuyền-nguyệt (scapho-lunate ligament) nối xương thuyền và xương nguyệt.

2. Xác định kiểu đau

Bong gân cổ tay thường khác nhau về mức độ và kiểu đau.

Bong gân cổ tay thường khác nhau về mức độ và kiểu đau. Bong gân cổ tay mức độ 1 gây đau nhẹ, cơn đau thường được mô tả là nhức và có thể đau nhói khi cử động. Bong gân mức độ 2 có mức đau trung bình đến dữ dội, tùy vào tình trạng rách dây chằng; mức độ đau cao hơn độ 1 và đôi khi đau nhói vì sưng nhiều hơn. Tuy nhiên, ban đầu bong gân mức độ 3 thường ít gây đau hơn mức độ 2 vì dây chằng đã bị đứt hoàn toàn và không kích thích nhiều dây thần kinh xung quanh. Bong gân mức độ 3 sẽ bắt đầu đau nhói khi tình trạng sưng gia tăng.

  • Trường hợp bong gân mức độ 3 kèm theo gãy lìa xương gây đau dữ dội ngay lập tức.
  • Tình trạng bong gân gây đau nhất là khi cử động; triệu chứng sẽ thuyên giảm nếu được giữ bất động.
    Nói chung, bạn cần đi khám ngay nếu cổ tay đau nhiều và khó cử động.

3. Chườm đá và quan sát phản ứng

Chườm đá

Trường hợp bong gân ở mọi cấp độ đều đáp ứng tốt với liệu pháp chườm đá hoặc chườm lạnh nhờ tác dụng giảm sưng và làm tê các dây thần kinh xung quanh vốn gây đau. Liệu pháp chườm đá đặc biệt quan trọng trong các trường hợp bong gân cổ tay cấp độ 2 và 3 do tình trạng sưng tăng lên xung quanh vị trí chấn thương. Liệu pháp chườm đá lên cổ tay bị bong gân sau khi chấn thương khoảng 1 đến 2 tiếng một lần, mỗi lần khoảng 10-15 phút rất hiệu quả sau khoảng 1 ngày và giúp giảm đau đáng kể, nhờ đó việc cử động cũng dễ dàng hơn.

  • Chườm đá khi bị gãy xương cổ tay giúp giảm đau và giảm sưng nhưng các triệu chứng thường quay trở lại sau khi hết tác dụng. Như vậy, liệu pháp chườm lạnh có hiệu quả trong trường hợp bong gân cổ tay hơn hầu hết các trường hợp gãy xương.
  • Trường hợp bong gân càng nghiêm trọng thì vết thương càng sưng nhiều khiến chỗ đau phồng to.
  • Các trường hợp nứt xương thường được giải quyết với liệu pháp lạnh (lâu dài) tốt hơn so với các trường hợp gãy xương nặng đòi hỏi được chăm sóc y tế.

4. Kiểm tra hiện tượng bầm tím vào ngày hôm sau

Kiểm tra hiện tượng bầm tím

Lưu ý tình trạng sưng không giống bầm tím. Hiện tượng bầm tím là do tình trạng máu từ các động mạch hoặc tĩnh mạch nhỏ tràn vào các mô. Bong gân mức độ 1 thường không gây bầm tím, trừ khi cú va đập mạnh làm vỡ các mạch máu dưới da. Bong gân mức độ 2 thường kèm sưng, nhưng có thể không bầm tím nhiều – phụ thuộc vào việc chấn thương xảy ra như thế nào. Bong gân mức độ 3 gây sưng nhiều và thường bầm tím đáng kể vì chấn thương làm đứt dây chằng đủ nghiêm trọng để làm vỡ hoặc tổn thương cách mạch máu xung quanh.

  • Tình trạng sưng không làm đổi màu da nhiều, ngoại trừ màu đỏ do nhiệt sinh ra.
  • Hiện tượng bầm tím khiến da chuyển sang màu xanh đậm thường là do máu rỉ vào các mô bên dưới bề mặt da. Khi máu tan và rút khỏi các mô này, vết bầm tím cũng đổi màu (xanh nhạt và cuối cùng là hơi vàng).

5. Theo dõi diễn biến sau vài ngày

Theo dõi diễn biến sau vài ngày

Về cơ bản, mọi trường hợp bong gân cổ tay mức độ 1 và một số trường hợp bong gân mức độ 2 sẽ cải thiện đáng kể sau vài ngày, nhất là khi vết thương được giữ bất động và chườm lạnh. Nếu cổ tay của bạn có vẻ khá hơn, không sưng rõ rệt và có thể cử động mà không thấy đau thì không cần can thiệp y khoa. Trường hợp bong gân nặng hơn (mức độ 2) nhưng có cảm giác đỡ hơn nhiều sau vài ngày (dù vẫn còn sưng và đau), bạn cần chờ thêm một thời gian nữa để hồi phục. Tuy nhiên, trường hợp vết thương không cải thiện nhiều hoặc xấu đi sau vài ngày cần phải được kiểm tra y khoa càng sớm càng tốt.

  • Bong gân mức độ 1 và một số trường hợp mức độ 2 lành khá nhanh (từ 1 đến 2 tuần), trong khi bong gân mức độ 3 (đặc biệt khi xương gãy lìa) có thời gian hồi phục lâu nhất (đến vài tháng).
  • Trường hợp nứt xương có thể lành khá nhanh (vài tuần) và các trường hợp gãy xương nghiêm trọng có thể mất đến vài tháng hoặc hơn, tùy vào việc có phẫu thuật hay không.

Phần 2: Chẩn đoán gãy xương cổ tay

1. Quan sát hiện tượng lệch hoặc vẹo

Quan sát hiện tượng lệch hoặc vẹo

Các kiểu tai nạn hoặc chấn thương gây bong gân cổ tay cũng có thể gây gãy xương cổ tay. Nói chung, xương càng to và chắc thì khả năng bị gãy do chấn thương càng ít – thay vào đó là tình trạng giãn và rách dây chằng. Tuy nhiên, nếu xương bị gãy thường có hiện tượng lệch hoặc vẹo. Tám chiếc xương cổ tay khá nhỏ, do đó hiện tượng lệch và vẹo cổ tay có thể khó (hoặc không thể) nhận ra, nhất là trong trường hợp nứt xương, còn trường hợp gãy xương nặng hơn sẽ dễ nhận biết hơn.

  • Xương dài vùng cổ tay thường bị gãy nhất là xương quay - xương cẳng tay gắn với các xương nhỏ ở cổ tay.
  • Xương cổ tay thường bị gãy nhất là xương thuyền; trường hợp này thường ít có khả năng gây biến dạng cổ tay rõ rệt.
  • Trường hợp xương đâm qua da và lộ ra ngoài được gọi là gãy xương hở.

2. Xác định kiểu đau

Mức độ và kiểu đau do gãy xương cổ tay cũng tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của chấn thương

Mức độ và kiểu đau do gãy xương cổ tay cũng tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của chấn thương, nhưng thông thường được mô tả là đau nhói khi cử động và đau nhức khi bất động. Cơn đau do gãy xương cổ tay thường gia tăng khi nắm hoặc siết bàn tay; tình trạng này thường không xảy ra khi bong gân.

Gãy xương cổ tay thường gây nhiều triệu chứng ở bàn tay hơn, chẳng hạn như cứng, tê hoặc không thể cử động ngón tay, do có nhiều khả năng bị chấn thương/tổn thương dây thần kinh. Ngoài ra còn có tiếng kêu răng rắc khi cử động cổ tay gãy; điều này không xảy ra ở trường hợp bong gân cổ tay.

  • Cơn đau khi gãy xương cổ tay thường (không phải luôn luôn) xuất hiện sau tiếng “rắc”. Chỉ có bong gân mức độ 3 mới tạo ra âm thanh hoặc cảm giác tương tự và đôi khi có tiếng “nổ” khi dây chằng bị đứt.
  • Cơn đau do gãy xương cổ tay gia tăng vào ban đêm, trong khi đau do bong gân sẽ ổn định và không nhói lên trong đêm nếu cổ tay được giữ cố định.

3. Theo dõi các triệu chứng

Bạn có thể cảm thấy tình trạng xấu hơn khi cơ thể đã qua cú “sốc” ban đầu khi bị chấn thương.

Như đã đề cập, trường hợp bong gân từ nhẹ đến vừa có thể đỡ sau 1-2 ngày nếu được nghỉ ngơi và chườm lạnh, nhưng ở trường hợp gãy xương thì không như vậy. Trường hợp nứt xương có thể là một ngoại lệ, hầu hết các xương bị gãy đều cần nhiều thời gian hơn để bình phục so với bong gân. Như vậy, vài ngày chườm đá và nghỉ ngơi không có tác dụng nhiều để giúp thuyên giảm triệu chứng trong các trường hợp gãy xương. Bạn có thể cảm thấy tình trạng xấu hơn khi cơ thể đã qua cú “sốc” ban đầu khi bị chấn thương.

  • Nếu xương gãy ở cổ tay đâm qua da, rủi ro nhiễm trùng và mất máu nhiều rất cao. Bạn cần tìm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
  • Một chiếc xương gãy ở cổ tay có thể hoàn toàn cắt đứt sự lưu thông máu đến bàn tay. Hiện tượng sưng do máu chảy được gọi là “hội chứng chèn ép khoang” và là trường hợp cần cấp cứu. Khi điều này xảy ra, bàn tay sẽ lạnh (do thiếu máu) và nhợt nhạt (trắng xanh).
  • Một chiếc xương gãy cũng có thể kẹp hoặc làm đứt dây thần kinh gần đó, dẫn đến tê hoàn toàn ở vùng bàn tay có phân bố các dây thần kinh.

4. Chụp X-quang do bác sĩ chỉ định

 Chụp X-quang do bác sĩ chỉ định

Các thông tin trên có thể hướng dẫn bạn cách chẩn đoán chấn thương cổ tay là bong gân hay gãy xương, tuy nhiên chỉ có các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) mới có thể xác định chính xác trong hầu hết các trường hợp – trừ xương gãy đâm qua da.

Chụp X-quang là phương pháp phổ biến và tiết kiệm nhất để quan sát các xương nhỏ ở cổ tay. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn chụp X-quang cổ tay để bác sĩ chuyên khoa X-quang đọc kết quả trước khi tư vấn. X-quang chỉ cho hình ảnh của xương mà không thấy được các mô mềm như dây chằng hoặc gân. Các xương bị gãy rất khó đọc bằng X-quang do kích thước nhỏ và không gian hạn chế, có thể phải mất vài ngày mới thấy rõ trên hình ảnh X-quang. Do đó, để xem thêm các tổn thương dây chằng, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn chụp MRI hoặc CT scan.

  • Chụp MRI - phương pháp dùng sóng từ để cung cấp các hình ảnh chi tiết về cấu trúc xương trong cơ thể, có thể cần trong việc phát hiện xương gãy ở cổ tay, đặc biệt các xương thuyền bị gãy.
  • Trường hợp nứt xương cổ tay rất khó quan sát trên hình ảnh X-quang bình thường cho đến khi hết sưng. Bạn có thể phải chờ khoảng một tuần để được xác định xương gãy, mặc dù cho đến lúc đó thì vết thương có thể đang tự lành.
  • Chứng loãng xương (xương giòn do thiếu khoáng chất) là một yếu tố rủi ro chủ yếu gây gãy xương cổ tay, tuy nhiên tình trạng này không thực sự làm tăng nguy cơ bong gân cổ tay.
Cập nhật: 04/04/2018 Theo Nga Bui (QTM)
  • 513