Phần mềm nguồn mở sẽ chiến thắng Microsoft?

  •  
  • 410

Microsoft đã nỗ lực suốt 20 năm phát triển bộ Office để có được một sản phẩm hoàn thiện đầy đủ tính năng như hiện nay. Hầu hết những nhà phân tích cho rằng những bộ phần mềm mã nguồn mở như OpenOffice đang là mối đe doạ lớn tới "người khổng lồ" Microsoft. Tuy nhiên, những bộ phần mềm này chưa có được các tính năng hấp dẫn cũng như sự đơn giản như bộ Office "đầy kiêu hãnh" của Microsoft.

Thực ra, Microsoft đang tiếp tục nới rộng khoảng cách giữa bộ Office "danh tiếng" của họ với những bộ phần mềm miễn phí khác. Một câu hỏi hấp dẫn đặt ra với cộng đồng mã nguồn mở là làm thế nào để có thể bắt kịp được "gã nhà giàu" Microsoft ? Bill Gates và các lập trình viên xuất sắc của họ đã tập trung sức lực trong suốt 20 năm qua để tạo ra các sản phẩm tốt nhất. Trong khi đó các sản phẩm mã nguồn mở như OpenOffice chẳng hạn chỉ là tập hợp những lập trình viên tình nguyện với sự yêu thích, đam mê của họ. Bởi vì cả 2 bộ phần mềm văn phòng này không có cùng quy trình về phát triển phần mềm, nên rất khó có thể so sánh giữa chúng. Tuy nhiên, cộng đồng mã nguồn mở cũng đưa ra sự so sánh nhỏ.

Trưởng dự án marketing của bộ phần mềm OpenOffice.org, Jacqueline McNally cho rằng: "Những lập trình viên tình nguyện này không phải chịu bất cứ áp lực nào trong công việc cũng như thời gian. Do đó, sản phẩm mã nguồn mở sẽ ít lỗi hơn. Một nguyên nhân nữa là chúng tôi không làm việc vì tiền. Công việc thật thú vị và hấp dẫn, sản phẩm là công sức của hàng nghìn lập trình viên trên khắp thế giới với hàng triệu giờ lập trình để có một sản phẩm tốt."

Sự cạnh tranh khốc liệt

Trong khi có không ít những phân tích đánh giá về cả 2 phía, nhưng rất nhiều nhà phân tích đều cho rằng phần mềm mã nguồn mở ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, sẽ là mối đe doạ lớn tới "người khổng lồ" ở Redmond này. Ưu điểm trong các định dạng tập tin nguồn mở (open file formats) đã làm cho OpenOffice, KDE, Gnome và các sản phẩm thay thế cho phần mềm của Microsoft ngày càng hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các sản phẩm mã nguồn mở có những yếu điểm. Theo như Michael Goulde, một phân tích viên phần mềm của Forrester Research nhận xét về OpenOffice: " Mã nguồn trong phiên bản OpenOffice 1.0 thật lộn xộn, rất khó đọc. Tuy nhiên, trong phiên bản OpenOffice 2.0 thì khá hơn."

Vậy, những phần mềm mã nguồn mở nào có thể thay thế được các sản phẩm của Microsoft? Câu hỏi này đã được đặt ra với một số những nhà quản lý cao cấp của Microsoft. Tuy nhiên, họ đã né tránh và không đưa ra câu trả lời.

Một thành viên tích cực của tổ chức KDE (KDE là môi trường đồ hoạ phổ biến nhất cho hệ điều hành Linux) phát biểu: "Tôi không thể nói thay Microsoft, nhưng tôi nghĩ dự án KDE là chỉ một phần nhỏ trong nền tảng KDE. Tôi cho rằng thị trường KDE sẽ phát triển rộng hơn nữa, không chỉ ở trong môi trường Linux." Ông cho rằng sự hấp dẫn nhất của mô hình mã nguồn mở chính là: "Người dùng các sản phẩm nguồn mở đa số là các lập trình viên hoặc người sử dụng có kinh nghiệm. Họ sẽ trở thành những nhà phát triển trong các dự án nguồn mở, sự đóng góp của họ trong các sản phẩm này là rất lớn."

Một trong những đặc điểm hấp dẫn khác của mô hình mã nguồn mở là khả năng dễ đáp ứng với thị trường. Trong khi đó, các phần mềm của Microsoft là mã nguồn đóng (closed-source), nên khả năng này có phần bị hạn chế. Cộng đồng mã nguồn mở cũng như các dự án mã nguồn mở như OpenOffice có thể đáp ứng nhanh chóng cũng như biến đổi cho phù hợp với thị trường nhanh hơn các sản phẩm mã nguồn đóng. Trong các dự án quốc tế, những lập trình viên tình nguyện, và cả những người sử dụng cuối đều có cơ hội tham gia và đóng góp những ý tưởng của mình vào dự án. Sự đóng góp của tất cả những tình nguyện viên này là tài nguyên vô giá.

Áp lực từ cộng đồng mã nguồn mở

Có phải cộng đồng mã nguồn mở đã ảnh hưởng rất lớn tới những công ty độc quyền như Microsoft và xu hướng phát triển các sản phẩm của họ ? Một số nhà quan sát cho rằng điều này là đúng. Cái gì đã thúc đẩy mô hình nguồn mở này vì các phần mềm đều miễn phí ? Thực ra, phần mềm nguồn mở miễn phí đã ảnh hưởng lớn tới những công ty tham gia vào phát triển mã nguồn mở. Họ không thể kiếm tiền từ các sản phẩm đã tạo ra, nhưng bù lại họ kiếm được lợi nhuận từ chính những dịch vụ mà các phần mềm mã nguồn mở đem lại.

Những áp lực rất lớn đang đè nặng trên vai những công ty độc quyền. Một ví dụ điển hình là: Microsoft đã nhanh chóng quyết định đưa ra IE (Internet Explorer) mới chứ không thể chờ đợi để phát hành kèm với Windows Vista. Một trong những nguyên nhân thay đổi quyết định này chính là sự thành công ngoài sức tưởng tượng của trình duyệt nguồn mở Firefox (Firefox có giao diện đồ hoạ dạng tab, cho phép xem nhiều trang trong một cửa sổ và rất nhiều thay đổi cải thiện hiệu năng đối với người sử dụng). Firefox trở thành đối thủ lớn trong thị trường trình duyệt, đe doạ ngôi vị số 1 của IE.

Một ví dụ khác là môi trường Desktop Gnome cũng là điển hình sáng tạo trong lập trình. Những môi trường Desktop như Gnome, KDE hỗ trợ rất tốt lập trình đa ngữ, tích hợp các ngôn ngữ, cũng như thay đổi giao diện ngày càng hấp dẫn hơn, chất lượng phần mềm cũng đảm bảo tốt... đã tạo ra sức ép rất lớn cho các công ty như Microsoft phải cách tân các sản phẩm của họ.

Sự trỗi dậy của Microsoft

Để đối phó với mã nguồn mở, Microsoft đã hướng những công nghệ mang tính độc quyền của họ trở thành những vật cản tiềm năng hơn trong truy cập thông tin. Công ty đã có kế hoạch đưa ra bản Office mới có thể "đè bẹp" OpenOffice, với sự hỗ trợ định dạng tài liệu mở (OpenDocument Format). Adobe, KOffice, Apache, Sun, và một số công ty phần mềm khác cũng hỗ trợ định dạng OpenDocument Format.

Thị trường cạnh tranh đã thúc đẩy Microsoft đưa ra các phần mềm hỗ trợ XML miễn phí, đưa ra các phần mềm dịch vụ miễn phí như Windows Live, Office Live...Một trong những thiếu sót của OpenOffice là khả năng hỗ trợ người tàn tật. Trong khi đó, Office của Microsoft thì hỗ trợ rất tốt. Một chuyên gia của Microsoft nhận định: "Những nhân viên bị tàn tật vẫn sẽ sử dụng Microsoft Office và giá duy trì bộ phần mềm này vẫn luôn rẻ hơn."

Phản hồi từ phía Microsoft cho rằng chính OpenOffice mới có giá cao hơn các sản phẩm của hãng. Giá cao hơn từ các phần mềm nguồn mở chính là: giá mua thêm công cụ, tiện ích từ những hãng khác, thời gian bảo trì sản phẩm, giá huấn luyện nhân viên kĩ thuật cao hơn và tốn kém hơn trong cài đặt các công cụ quản lý bảo mật so với các sản phẩm của Microsoft.

Một trong những yếu điểm của các ứng dụng nguồn mở theo Microsoft thì đó là khả năng sửa chữa phần mềm. Microsoft nhận xét: Linux phải mất nhiều hơn 30% thời gian để sửa lỗ hổng bảo mật so với Windows. Không những thế, tài liệu cho các ứng dụng nguồn mở thì nghèo nàn hơn và sự hỗ trợ kĩ thuật thì không thể sánh được với Microsoft. Các nhà quản trị hệ thống sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để quản lý so với Windows.

Những yếu tố dẫn tới thành công

Mã nguồn mở sẽ ngày càng mở rộng hơn, bổ xung các tính năng mới hấp dẫn hơn giống như trong các sản phẩm cạnh tranh có phí khác. Một trong những yếu tố dẫn tới thành công của các phần mềm mã nguồn mở chính là khả năng truy cập thông tin dễ dàng, giá rẻ hơn và không phụ thuộc vào duy nhất một nhà cung cấp.

Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong mọi mặt, mã nguồn mở vẫn còn rất xa mới có thể thống lĩnh được thị trường phần mềm. Cho dù mã nguồn mở là miễn phí nhưng vẫn còn những yếu tố mà người sử dụng đòi hỏi như: lập tài liệu, hỗ trợ sản phẩm, và thời gian tồn tại... cũng là những vấn đề đặt ra với phần mềm nguồn mở. Để giải quyết những vấn đề trên, nhiều công ty đã tạo ra 2 bản phần mềm nguồn mở: 1 bản hoàn toàn miễn phí và 1 bản có phí nhưng có nhiều tính năng hơn cũng như khả năng hỗ trợ kĩ thuật.

Microsoft cũng đã "nhúng" tay vào thị trường mã nguồn mở và các nhà phát triển mã nguồn mở truyền thống cũng đang kiếm lợi nhuận từ việc bán các dịch vụ từ các sản phẩm nguồn mở. Do đó, câu trả lời chiến thắng sẽ thuộc về phần mềm mã nguồn mở hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, ranh giới giữa phần mềm nguồn mở và phần mềm truyền thống cũng ngày càng mờ đi.

Minh Phúc

Theo VietnamNet
  • 410