Pháp "ép buộc" Apple mở iTunes ra ngoài iPod

  •  
  • 97

Pháp đang soạn thảo một đạo luật buộc Apple Computer mở cửa dịch vụ nhạc online iTunes để cho phép người dùng có thể download bài hát và nghe trên cách thiết bị khác nhau, thay vì chỉ thích ứng trên máy nghe iPod đang rất phổ biến.

Dự thảo luật sẽ được các thành viên nghị viện bỏ phiếu vào thứ năm tới, theo đó, người dùng sẽ có thể sử dụng phần mềm để chuyển đổi nội dung kỹ thuật số sang các định dạng khác một cách hợp pháp. 

Nếu kho nhạc của iTunes chỉ thích ứng trên iPod thì người dùng có bị thiệt thòi?

Nếu điều này xảy ra, việc bẻ khóa mã hóa bị coi là bất hợp pháp sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Những phương thức mã hoá để bảo vệ bản quyền nhạc, phim hoặc những nội dung khác sẽ bị "dỡ bỏ" - khi mà chúng ta có thể can thiệp để chuyển đổi từ định dạng này sang định dạng khác. Ông Christian Vanneste Papporteur, một thành viên Nghị viện Pháp, chuyên về tư vấn luật pháp, cho biết.

"Luật này sẽ quy định "mở cửa" một số hệ thống vốn xưa nay được giữ độc quyền... Người dùng có thể download nội dung và nghe nhạc, xem phim trên thiết bị cá nhân của mình", ngài Vanneste trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại.

Lâu nay, âm nhạc được download trên gian hàng nhạc trực tuyến iTunes của Apple vẫn chỉ sử dụng được trên máy nghe nhạc số iPod.

Đạo luật này, nếu được thông qua, có thể sẽ khiến gian hàng iTunes của Apple tại Pháp "lao đao", một số chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định.

Về phía Apple, đại diện hãng này ở Pháp và Anh đều từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi về sự kiện này.

Điều luật đang được bàn thảo cũng sẽ có nghĩa là các nhà phân phối âm nhạc trực tuyến khác như Fnac (thuộc PPR), sẽ sẽ phải đưa ra những bài hát có bản quyền từ iTunes trên website trong trạng thái "sẵn sàng" tạo thuận lợi cho người sử dụng.

Vaneste cho rằng dự thảo luật hướng đến việc chống lại sự độc quyền, khuyến khích sự phát triển của thị trường nhạc số trực tuyến tại Pháp và tạo lợi nhuận cho các nhà phân phối nhạc trực tuyến hợp danh.

Ngành công nghiệp ghi âm ở Pháp bị sụt giảm 8% trong năm qua, trong khi đó, hoạt động kinh doanh nhạc số lại gia tăng gấp 5 lần. Hoạt động này đạt 5,3% (tương đương với 259 triệu USD) trong tổng doanh thu năm 2005 của Universal Music Group, hãng ghi âm lớn nhất thế giới do tập đoàn Vivendi của Pháp nắm giữ.

Theo bản dự thảo mới thứ nhất vừa được đưa ra thì người download nội dung bất hợp pháp sẽ phải chịu mức nộp phạt 38 euro, còn nếu tiếp chuyển sản phẩm download bất hợp pháp tới người khác thì sẽ chịu mức nộp phạt 150 euro. Người thiết kế và bán phần mềm chia sẻ file nhạc và các nội dung bất hợp pháp phải chịu mức phạt tối đa 300.000 euro và bị phạt tù lên đến 3 năm.

Các sở cảnh sát có nghĩa vụ kiểm soát các website trao đổi âm nhạc và truy ra địa chỉ email của người hưởng hoa lợi bằng cách lấy thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ internet, và truy tố ra tòa án.

Văn bản luật cũng sẽ đặt ra vấn đề bảo vệ bản sao những nội dung download hợp pháp, nhưng những bản sao mang tính cá nhân có thể được giới hạn và được thẩm định. Các ấn bản DVD có thể cũng sẽ được đưa vào bảo hộ trong luật, ông Vanneste nói.

Ônng Marc Guez, chủ tịch Hiệp hội Bản quyền nhà sản xuất âm nhạc Pháp (SCPP) luật sẽ chưa có hiệu lực cho tới tháng 6/2006 vì cần có sự đồng tình của các hội đồng thành viên nghị viện.

Duy Hiệp

Theo Vietnamnet
  • 97