Phương pháp xét nghiệm máu do các nhà khoa học Nhật và Australia phát triển cho phép chẩn đoán Alzheimer trước hàng chục năm.
Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới sa sút trí tuệ. Nó tác động lên trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và có thể gây tử vong. Để đưa ra chẩn đoán sớm giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả, các nhà khoa học Nhật và Australia đã hợp tác để phát triển phương pháp xét nghiệm máu mới dựa trên protein amyloid-beta.
Alzheimer tác động lên trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và có thể gây tử vong. (Ảnh: JT).
Trên tạp chí Nature, nhóm tác giả cho biết amyloid-beta bắt đầu tích tụ trong não khoảng 20-30 năm trước khi Alzheimer phát triển nên được cho là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trước đây, y học chỉ có thể kiểm tra mức độ tích tụ của amyloid-beta qua các phương pháp xâm lấn vừa đắt đỏ vừa gây đau đớn như chụp PET hoặc phân tích dịch não tủy.
Với phương pháp xét nghiệm máu mới, các nhà khoa học có thể chiết xuất các chất liên quan đến amyloid-beta từ 0,5ml máu rồi đo chúng bằng phương pháp khối phổ, từ đó xác định mức độ tích tụ amyloid-beta. Thử nghiệm trên 232 người Nhật và Australia cho thấy kết quả xét nghiệm máu trùng 90% với kết quả chụp PET.
Sau khi công bố, phương pháp xét nghiệm máu thu hút những bình luận trái chiều. Ông Masami Yoshida có vợ bị Alzheimer từ năm 2007. Hiện nay ông chăm sóc bà tại nhà. "Chẩn đoán sớm đồng nghĩa với điều trị sớm. Gia đình bệnh nhân cũng được chuẩn bị cả về tinh thần lẫn thể chất", người đàn ông 73 tuổi bày tỏ.
Không đồng tình với ông Yoshida, ông Morio Suzuki 66 tuổi, Giám đốc Hiệp hội Alzheimer Nhật Bản nhận định chẩn đoán sớm dễ đẩy bệnh nhân cùng gia đình vào cảnh tuyệt vọng bởi đến nay khoa học chưa tìm ra cách chữa chứng mất trí. "Điều quan trọng là xây dựng một xã hội và hệ thống để bệnh nhân Alzheimer được sống như họ muốn", ông nhấn mạnh.