Hóa thạch được cho là hài cốt của một con khủng long sauropod, một thành viên của những loài ăn cỏ khổng lồ sống trên hành tinh của chúng ta hàng triệu năm trước.
Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản và Mông Cổ đã phát hiện ra bộ xương của một con khủng long khổng lồ ở sa mạc Gobi ở Mông Cổ, hãng tin Jiji có trụ sở tại Nhật Bản cho biết.
Sauropoda là loài khủng long bốn chân cổ dài sống ở Trái đất trong thời kỳ kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. (Ảnh minh họa).
Hóa thạch được cho là thuộc về một con khủng long Sauropoda sống cách đây 70 triệu năm. Sauropoda là loài khủng long bốn chân cổ dài sống ở Trái đất trong thời kỳ kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. Chi này bao gồm các sinh vật lớn nhất từng hiện diện trên trái đất, đặc biệt là gã khổng lồ Argentinosaurus - loài khủng long mà các nhà khoa học tin rằng đã có chiều dài trên 36 mét và cao hơn 21 mét.
Con khủng long được phát hiện ở sa mạc Gobi dường như nhỏ hơn họ hàng của mình, nhưng kích thước của nó vẫn hết sức ấn tượng: các nhà khoa học đã tìm thấy một xương đùi dài 1,55 mét hóa thạch. Họ cho rằng đây là một trong những mẫu vật lớn nhất được khai quật trong lớp địa chất từ giai đoạn cuối kỷ Phấn trắng ở sa mạc Gobi.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra một dấu chân khủng long hóa thạch còn sót lại bởi một con ornithopod (khủng long chân chim) - loài khủng long ăn thực vật hai chân. Kích thước của dấu chân đo được là 0,85 mét chiều dài và 1,15 mét chiều rộng, đây gần như là dấu chân khủng long lớn nhất được phát hiện. Khủng long "chân to" này có thể dài khoảng 17 mét - lớn hơn 5 mét so với loài ăn thịt nổi tiếng Tyrannosaur rex (khủng long bạo chúa).