Các nhà khoa học thám hiểm lòng đại dương đã phát hiện những mạch nước phun mới giàu chất khóang, rất nóng, phun ra từ nam Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương và Ấn Độ Dương. Khám phá này rất quan trọng vì nó chứng tỏ rằng các miệng phun nước nóng như thế là một hiện tượng toàn cầu, thứ có thể giúp làm sáng tỏ sự phát triển địa chất của trái đất và nguồn gốc của sự sống đơn giản.
Các miệng phun đi đôi với các động vật ngoại lai từng được cho là chỉ có mặt tại “Vòng Cung Lửa” của Thái Bình Dương vì họat động núi lửa sôi động của nó và lòng biển mở rộng rất nhanh tại đây. Nhưng việc phát hiện các suối nước nóng bỏng ở Rặng Trung - Đại Tây Dương ngày càng phát triển cách đây 20 năm đã mở đường cho các thám hiểm mới.
Các miệng phun dưới đại dương mới phát hiện, phun nước nóng tới 398oC, được tìm thấy dọc theo một rặng núi lửa chìm nối các lòng chảo đại dương. Miệng phun xảy ra khi nước lạnh thấm vào trong các khe đá dưới lòng biển, trở nên nóng do tiếp xúc với lòng đất và bắn lên hòa với nước giá lạnh của đại dương. Các mạch nước phun mới phát hiện dưới biển được biết đến như là các “ống khói đen” bởi vì thứ nước có màu bồ hóng chúng phun ra.
Hồi tháng tư, các nhà khoa học Đức khi nghiên cứu bốn khu vực có miệng phun họat động tại phía nam Đại Tây Dương đã phát hiện ba trong số các miệng phun tạo ra các ống khói – hình thành khi nước pha trộn với các kim lọai và phun ra – thứ có liên quan đến các vụ núi lửa phun.
Ba tháng sau, các nhà khoa học Na Uy trong khi lặn xuống Đại Tây Dương đã phát hiện hai khu vực có miệng phun tại Rặng Mohns tọa lạc giữa Greenland và Iceland. Khu vực lớn hơn chứa đựng ít nhất 10 miệng phun lớn phun cao tới 10 mét trong khi khu vực nhỏ hơn có nhiều tôm, nhện biển và các động vật khác.
Các nhà hải dương học Anh cũng nhận thấy một “cột lớn” các khoáng chất hòa tan có độ cao tới hơn 1.400 mét phía trên lòng biển từ một miệng phun trong Ấn Độ Dương. Đây là cột đầu tiên thuộc lọai này được tìm thấy ngòai Thái Bình Dương và các nhà khoa học đang nghiên cứu điều gì đã gây ra miệng phun này.
Những khu vực tích tụ khóang chất trong đó có sắt, đồng và kẽm được cho là có trong các miệng phun mới được phát hiện. Nhưng việc khai thác thương mại các chất này bị hạn chế do kỹ thuật và các vấn đề chủ quyền.
Các nhà sinh học biển rất quan tâm đến các miệng phun dưới nước vì các hệ sinh thái độc đáo phát triển quanh chúng. Các động vật tại miệng phun sống không có ánh sáng mặt trời, thay vào đó chúng dựa vào các hóa chất để tạo ra năng lượng.
Các nhà khoa học chưa xem xét đầy đủ các động vật trong các suối nước nóng mới dưới đại dương này, nhưng họ hi vọng tìm thấy sự đa dạng sinh học tại đây. Các nghiên cứu trước đây đã chứng tỏ rằng sâu ống và trai khổng lồ sống trong các khu vực miệng phun ở Thái Bình Dương, trong khi tôm không mắt chỉ được tìm thấy tại các miệng phun Đại Tây Dương mà thôi.
KHÁNH NHẬT