Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm ung thư Peggy và Charles Stephenson Oklahoma của Mỹ vừa phát hiện ra một cách thức ngăn chặn bệnh ung thư tụy ở giai đoạn đầu - một kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng chống ung thư ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Cancer Prevention Research của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ.
Trong thí nghiệm của mình, Tiến sỹ C.V Rao và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng việc sử dụng liều thấp loại thuốc Gefitinib, mà không gây ra các hiệu ứng phụ ở mức độ này, đã giúp ngăn chặn sự phát triển của các khối u tụy. Không những thế, sau 41 tuần điều trị, căn bệnh nguy hiểm này cũng biến mất.
Theo các nhà khoa học, loại thuốc Gefitinib họat động nhờ vào việc xác định các tín hiệu của một loại gene nằm trong số những gene bị biến đổi đầu tiên khi có bệnh ung thư tụy.
Bằng việc xác định tín hiệu đối với sự phát triển của khối u thông qua các gene bị biến đổi, các nhà khoa học có thể ngăn chặn sự phát triển của căn bệnh.
Tiến sỹ Rao phát biểu: "Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh ung thư tụy. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có sự hiểu biết rõ ràng về căn bệnh này và việc điều trị chỉ được tiến hành khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng nếu bắt đầu sớm, thì việc điều trị sẽ thu được những kết quả lớn hơn. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh."
Ung thư tụy là một loại ung thư thường gặp trong bộ máy tiêu hóa, nó chiếm khoảng 10% ung thư tiêu hóa và khoảng 2% trong toàn bộ các loại ung thư. Bệnh gặp nhiều ở nam hơn nữ, thường sau tuổi 60, với những yếu tố nguy cơ như thuốc lá, rượu, càphê, thịt, mỡ, đái tháo đường...
Nhìn chung ung thư tụy là loại ung thư khó chẩn đoán, nên thường được chẩn đoán muộn do đó tiên lượng thường khó khăn.
Ung thư tụy bao gồm ung thư tụy ngoại tiết - loại thường gặp và ung thư tụy nội tiết - dạng này ít gặp hơn.