Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Anh cho thấy, một số loài dơi có thể tiến hóa thành những loài có chức năng tương tự như “máy bay tàng hình”, có thể thay đổi sóng siêu âm mà chúng phát ra, khiến cho loài bướm đêm rất khó quan sát được sự tồn tại của chúng.
Một loài dơi. Ảnh: Internet
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Sinh vật học đương đại số ra mới nhất, các nhà khoa học thuộc Đại học Bristol (Anh) cho biết, trong sự tiến hóa với thời gian dài giữa dơi và bướm đêm, một số con bướm đêm có thể cảm nhận được sóng siêu âm do những con dơi phát ra để tránh bị dơi bắt mồi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện loài dơi tai rộng châu Âu vẫn có thể bắt được những con bướm đêm này.
Sau khi phân tích sóng siêu âm do loài dơi tai rộng châu Âu phát ra, các nhà khoa học đã phát hiện, khi bắt loài bướm đêm, dơi tai rộng châu Âu đã giảm thiểu sự rung động sóng siêu âm phát ra. So với sóng siêu âm của các loài dơi khác, mức độ “tĩnh lặng” sóng siêu âm của dơi tai rộng châu Âu nâng cao gấp hàng trăm lần.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn lắp đặt thiết bị quan sát nhỏ trong tai của bướm đêm để ghi lại sự biến đổi tín hiệu của thần kinh tai khi chúng nghe được những sóng siêu âm khác nhau.
Kết quả cũng cho thấy, các loài dơi khác đều bay cách chúng khoảng 30m mới bị phát hiện, trong đó loài dơi tai rộng châu Âu có thể tiến sát chúng với khoảng cách 3,5m mà vẫn chưa bị phát hiện.