5 đồng xu bằng đồng từng được phát hiện ở miền bắc Australia có thể trở thành bằng chứng để viết lại lịch sử nước này.
Các đồng xu trên được xác định có niên đại từ những năm 900. Giới nghiên cứu tin rằng chúng có nguồn gốc từ vương quốc Hồi giáo Kilwa cổ xưa ở châu Phi (ngày nay là khu vực gần Tanzania).
Kilwa từng là một cảng thương mại và có nhiều mối liên hệ với Ấn Độ trong khoảng từ thế kỷ 13 - 16. Khu vực này hiện là một khu tàn tích đã được xếp hạng Di sản thế giới trên một hòn đảo ở ngoài khơi Tanzania.
Các đồng xu bằng đồng được phát hiện vùi giấu dưới cát trên một hòn đảo thuộc quần đảo Wessel, đông bắc Australia. (Ảnh: Daily Mail)
Trong khi đó, lịch sử được ghi chép lại của Australia chỉ mới bắt đầu từ năm 1606, khi các nhà thám hiểm Hà Lan đặt chân tới vùng đất này.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indiana (Mỹ) đã tiến hành tìm hiểu xem các đồng xu bằng đồng, hàng ngàn năm tuổi rốt cuộc đã có mặt ở bên kia bờ Ấn Độ Dương sớm hơn 6 thế kỷ như thế nào.
Theo Ian McIntosh - chuyên gia đứng đầu nghiên cứu và là người Australia, các đồng xu kỳ lạ do một quân nhân có tên Maurie Isenberg phát hiện lần đầu tiên vào năm 1944. Isenberg từng đóng quân tại quần đảo hoang hóa Wessel ở bờ biển đông bắc Australia trong Thế chiến thứ hai và đã tìm thấy những đồng xu này bị chôn vùi dưới cát.
Năm 1979, Isenberg đã gửi các đồng xu cho một bảo tàng của Australia. Ông cũng đánh dấu vị trí khám phá ra chúng bằng một dấu X trên bản đồ.
Cùng thời điểm đó, Isenberg còn tìm thấy 4 đồng xu do Công ty Đông Ấn của Hà Lan sản xuất, có năm phát hành là 1690. Phát hiện này củng cố những tuyên bố rằng, các nhà thám hiểm Hà Lan đã khám phá ra hòn đảo trước thuyền trưởng James Cook vào năm 1770.
2 trong số 5 đồng xu đươc cho là có niên đại từ những năm 900 và có nguồn gốc ở châu Phi. (Ảnh: Daily Mail)
Nhà nghiên cứu McIntosh nhận định, các đồng xu bằng đồng có thể ám chỉ khả năng tồn tại những tuyến giao thương bằng đường biển, nối liền miền đông châu Phi, Ả rập, Ấn Độ và quần đảo Spice từ cách đây hơn 1.000 năm, sớm hơn rất nhiều so với quan niệm phổ biến lâu nay.
Nếu giả thuyết này được chứng minh là đúng đắn, nó sẽ đồng nghĩa với việc các nền văn minh khác đã phát hiện và thiết lập quan hệ với Australia sớm hơn 6 thế kỷ so với người châu Âu. Điều này cũng có thể ám chỉ lịch sử của Australia cần phải được viết lại.
Một giả thuyết nữa đặt ra là, các đồng xu có thể bị trôi dạt vào bờ biển thuộc quần đảo Wessel sau một vụ đắm tàu. Nhóm nghiên cứu của ông McIntosh dự kiến sẽ có một chuyến đi tới khu vực này vào tháng 7 tới nhằm xác thực các giả thuyết và có câu trả lời chính xác về cách các đồng xu xuất hiện ở Australia.
Các thổ dân được cho là những người đầu tiên đặt chân đến lục địa Australia bằng thuyền từ quần đảo Mã Lai từ cách đây khoảng 40.000 - 60.000 năm.
Tuy nhiên, cuộc đổ bộ Australia được biết đến đầu tiên của người châu Âu là do nhà hàng hải Hà Lan Willem Janszoon thực hiện năm 1606. Các nhà hàng hải người Hà Lan khác đã thám hiểm các bờ biển phía tây và nam của Australia vào thế kỷ 17 và gọi lục địa này là "Hà Lan mới".
Năm 1770, nhà thám hiểm người Anh James Cook đã khám phá bờ biển phía đông Australia. Thuộc địa hợp pháp của Anh sau đó được thiết lập đầu tiên ở Vịnh Botany vào tháng 1/1788. Trong thế kỷ tiếp theo, người Anh đã thành lập nhiều thuộc địa khác trên lục địa này.
Các động thái đó đã làm suy giảm dân số thổ dân bản địa của Australia do xung đột với những kẻ thực dân và các bệnh dịch mới du nhập từ châu Âu.
Australia đã tham chiến trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2.