Phát hiện đài thiên văn 2.600 tuổi ở Ai Cập

  •  
  • 104

Đài thiên văn xây dựng từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên vừa được phát hiện giữa quần thể đền Buto ở Ai Cập.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập, đài thiên văn cổ vừa được khai quật là một công trình xây bằng gạch bùn, được sử dụng để theo dõi sự giao hội và mọc của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh, cũng như các giai đoạn của Mặt trăng.

Đài thiên văn này có một sảnh trung tâm hình chữ L được xây dựng từ gạch bùn, giống như lối vào tháp của các ngôi đền Ai Cập cổ đại.

Một trong các hiện vật từ đài thiên văn cổ đại ở Ai Cập
Một trong các hiện vật từ đài thiên văn cổ đại ở Ai Cập - (Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP).

Nó cũng bao gồm một bệ đá được trang trí bằng các hình khắc mô tả sự sắp xếp thiên văn của Mặt trời lúc mọc và lúc lặn trong suốt các mùa.

Bên trong, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một đồng hồ Mặt trời bằng đá nằm nghiêng, dùng để chỉ thời gian bằng cách sử dụng điểm sáng hoặc bóng đổ do vị trí Mặt trời thay đổi trong ngày.

Tờ Heritage Daily dẫn lời ông Ayman Ashmawy từ bộ phận Cổ vật Ai Cập cổ đại của Bộ Du lịch và cổ vật cho biết đoàn thám hiểm cũng đã phát hiện ra một số hiện vật giá trị cao trong đài thiên văn.

Các hiện vật này bao gồm một bức tượng từ Vương triều thứ 26, một công cụ merkhet mà người Ai Cập cổ đại dùng để đo đạc và tính giờ.

Nhiều hiện vật mang tính tôn giáo và nghi lễ cũng xuất hiện trong đài thiên văn.

Đài thiên văn 2.600 tuổi này được tìm thấy trong quá trình khai quật quần thể đền Buto thuộc di chỉ khảo cổ nổi tiếng Tell El Fara'in ở tỉnh Kafr El Sheikh của Ai Cập.

Tell El Fara'in vốn là một thành đô cổ đại, nằm giữa các nhánh Taly (Bolbitine) và Thermuthiac (Sebennytic) của sông Nile.

Toàn bộ di chỉ này từng này là trung tâm nghi lễ tôn vinh nữ thần Wadjet, là vị thần bảo trợ cho vùng Hạ Ai Cập.

Riêng đài thiên văn này, các nhà khoa học cho biết nó ví dụ lớn nhất được biết đến về các hoạt động khoa học và tôn giáo ở Ai Cập cổ đại.

Cập nhật: 27/08/2024 NLĐ
  • 104