Các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt hàng chục người được chôn cất trong một hầm mộ cổ có tường và mái bằng đá ở Oman, bán đảo Arab.
Hầm mộ đá ở tỉnh Al Wusta là một trong những công trình nhân tạo lâu đời nhất từng được phát hiện tại Oman, Live Science hôm 8/5 đưa tin. Khu vực chôn cất là một sa mạc đá nằm gần bờ biển. "Không có ngôi mộ nào thuộc thời kỳ Đồ Đồng hoặc cổ xưa hơn được biết đến ở khu vực này. Nó hoàn toàn độc nhất vô nhị", Alžběta Danielisová, nhà khảo cổ tại Viện Khảo cổ Cộng hòa Czech thuộc Viện hàn lâm Khoa học Czech (CAS), cho biết.
Hầm mộ cổ ở tỉnh Al Wusta, Oman, có niên đại 6.600 - 7.000 năm. (Ảnh: Roman Garba/Alžběta Danielisová/Viện Khảo cổ CAS).
Danielisová là người đứng đầu các chuyến khai quật tại hầm mộ của viện. Hầm mộ được phát hiện cách đây khoảng 10 năm qua ảnh vệ tinh. Các nhà khảo cổ cho rằng nó tồn tại từ năm 5000 đến năm 4600 trước Công nguyên.
Tường của hầm mộ được làm từ những hàng phiến đá mỏng, gọi là ashlar, với hai phòng chôn cất hình tròn bên trong, chia thành từng buồng riêng lẻ. Toàn bộ hầm mộ được che phủ bằng mái ashlar, nhưng nó đã bị sập một phần, có thể do những trận mưa theo mùa diễn ra hàng năm.
Các nhà khoa học tìm thấy một số "cụm xương" trong các phòng chôn cất, cho thấy cơ thể người chết từng bị để cho phân hủy trước khi đưa vào hầm mộ. Hộp sọ của họ được đặt gần tường ngoài, những đoạn xương dài hướng về phía trung tâm căn phòng.
Nhóm chuyên gia cũng tìm thấy những hài cốt tương tự trong một hầm mộ nhỏ hơn cạnh hầm mộ chính. Họ cho rằng nó được xây dựng muộn hơn một chút. Danielisová cho biết, có bằng chứng chỉ ra người chết được chôn cất vào các thời điểm khác nhau.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các đánh giá nhân chủng học và sinh hóa với hài cốt để hiểu thêm về chế độ ăn uống, sự di chuyển và nhân khẩu học của những người chôn dưới hầm mộ. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng tìm thấy một khu định cư cổ đại gần đó, nơi những người này có thể từng sinh sống.