Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra một hệ thống đa hành tinh xoay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời trong vũ trụ.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn cho biết, 2 ngoại hành tinh khổng lồ là TYC 8998-760-1b và TYC 8998-760-1c quay quanh ngôi sao TYC 8998-760-1, cách Trái đất khoảng 300 năm ánh sáng.
"Phát hiện này là một ảnh chụp nhanh về một môi trường rất giống với Hệ mặt trời của chúng ta, nhưng ở giai đoạn tiến hóa sớm hơn nhiều", Alexander Bohn, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Hình ảnh này được Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam châu Âu ở Chile chụp lại.
Hình ảnh cho thấy ngôi sao TYC 8998-760-1 (trái) với hai ngoại hành tinh khổng lồ. (Ảnh: ESO)
Mặc dù các nhà thiên văn học gián tiếp phát hiện hàng nghìn hành tinh trong Dải Ngân hà, nhưng chỉ một phần rất nhỏ các ngoại hành tinh này được chụp trực tiếp.
"Quan sát trực tiếp hết sức quan trọng trong việc tìm kiếm các môi trường có thể hỗ trợ sự sống", Matthew Kenworthy tới từ Đại học Leiden, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Cả TYC 8998-760-1b và TYC 8998-760-1c đều có kích thước khá đồ sộ.
TYC 8998-760-1b lớn gấp 14 lần khối lượng của sao Mộc trong khi TYC 8998-760-1c lớn gấp 6 lần. 2 hành tinh quay quanh ngôi sao trung tâm ở khoảng cách lần lượt là 160 và 320 đơn vị thiên văn.
Các chuyên gia cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem còn hành tinh nào quay xung quanh ngôi sao 17 triệu năm tuổi này hay không.
"Với các thiết bị trong tương lai, có khả năng sẽ phát hiện các hành tinh có khối lượng thấp hơn xung quanh ngôi sao này. Điều này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng để hiểu về các hệ thống đa hành tinh", ông Bohn giải thích.
Trong hơn 4.000 ngoại hành tinh mà NASA phát hiện cho tới nay, có khoảng 50 ngoại hành tinh được cho là có thể ở được. Chúng có kích thước và quỹ đạo phù hợp với ngôi sao của chúng để hỗ trợ sự sống theo lý thuyết.