Phát hiện hố đen lớn ở chòm sao Nhân mã

  •   3,26
  • 2.968

Khoanh tròn màu trắng là vị trí hố đen được các nhà khoa học chứng minh

Sau tám năm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thiên văn quốc tế do nghiên cứu viên Thẩm Chí Cường (ShenZhiQiang) của đài thiên văn thuộc Viện KHKT Thượng Hải phụ trách đã tìm thấy bằng chứng chính xác rằng chòm sao Nhân mã A* ở trung tâm Ngân hà là hố đen siêu lớn.

Từ năm 1997, Thẩm Chí Cường và các cộng tác viên, bao gồm Lỗ Quốc Dung (LuGuoYong), Trưởng đài thiên văn điện xạ quốc gia Mỹ, Lương Mạo Xương (LiangMaoChang) của Viện công nghệ California, Hạ Tăng Bộc (HeCengPu) và Triệu Quân Huy (ZhaoJunHui) của trung tâm vật lý thiên thể Smithson Harvard Mỹ cùng tập trung vào thiên thể này.

Cuối cùng, họ đã đo được đường kính của chòm Nhân mã A* khoảng 150 triệu km, tương đương với bán kính quỹ đạo của trái đất. Nhóm nghiên cứu đã chụp thành công “Bức ảnh xạ điện” cận cảnh nhất của hố đen này.

Nhóm nghiên cứu quốc tế đã quan trắc qua 10 kính viễn vọng xạ điện đặt ở Bắc bán cầu và dùng các phương pháp mới nâng cao độ chính xác quan trắc. Cuối cùng họ đã có được bức ảnh với tỷ lệ phân giải cao sóng dài 3,5mm đầu tiên trên thế giới. Đây là tỷ lệ phân giải không gian cao nhất được cung cấp trong ngành thiên văn học.

Tuy kết quả quan trắc thành công từ tháng 11/2002, nhưng vì chòm Nhân mã A* nằm ở bầu trời Nam cực trong khi phần lớn kính viễn vọng lại đặt ở Bắc bán cầu, nên để có được kết quả chính xác cần phân tích kỹ một lượng lớn số liệu, dẫn tới kéo dài tới vài năm. Để quan sát và đo đạc được trong 5 giờ đồng hồ, các nhà khoa học đã phải chờ đợi trong 20 tháng, vì công việc đo đạc này chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết.

Hố đen là một trong những vấn đề mấu chốt nghiên cứu về sự khởi nguồn của vũ trụ. Hố đen được hình thành từ một hằng tinh xẹp. Hố đen thông thường được chia làm 3 loại, loại thứ nhất là hố đen siêu cấp nằm ở trung tâm của tinh hệ; loại thứ hai là hố đen cấp hằng tinh, loại này lớn khoảng gấp 10 lần mặt trời; loại thứ ba là hố đen loại vừa nằm ở giữa hai loại trên.

Do ánh sáng cũng không thoát khỏi lực hấp dẫn của hố đen nên nhìn từ bề ngoài, cả thiên thể có màu đen. Điều này làm cho việc tìm kiếm hố đen của các nhà thiên văn học rất khó khăn, chỉ có thể dựa vào hành vi “nuốt sống” các thiên thể gần đó của hố đen để xác định sự tồn tại của nó. Đây cũng là một trong những bài toán thách thức nhất của vật lý học thiên thể hiện đại là làm thế nào chứng thực hố đen từ việc quan trắc.

Về vấn đề khởi nguồn của hố đen và nó liệu có bị mất đi hay không, hiện nay vẫn chưa có một kết luận nào. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đang kết hợp với nhau xây dựng kính viễn vọng xạ điện lớn nhất thế giới từ ăng-ten có độ chính xác cao, đường kính 12m, 64 mặt. Kính viễn vọng này đặt ở sa mạc Atakama của Chi-lê, cao 5000m so với mặt biển, theo dự kiến khoảng năm 2010 sẽ bắt đầu tiến hành quan trắc. Kính viễn vọng này về mặt tính năng sẽ vượt trội kính viễn vọng không gian Hubble khoảng 10 lần, sẽ thúc đẩy sự nghiên cứu quan trắc những khối chất lượng siêu lớn ở trung tâm Ngân hà.

Tuyết Nhung (Theo Tân Hoa Xã)

Theo VietNamNet
  • 3,26
  • 2.968