Phát hiện hồ nước thiêng 2.500 tuổi chưa được khám phá tại Ý

  •  
  • 305

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Antiquity, một hồ nước thiêng được người Phoenicia cổ đại sử dụng cho mục đích tôn giáo và theo dõi chuyển động của các ngôi sao đã được phát hiện tại thành phố đảo Motya cũ của Ý.

Nghiên cứu đưa ra một cách giải thích mới về một lưu vực nhân tạo, được gọi là “kothon” trên thành phố đảo Motya cũ ở phía tây Sicily, nước Ý ngày nay. Theo trưởng nhóm nghiên cứu - Nhà khảo cổ Lorenzo Nigro thuộc Đại học Sapienza, cấu trúc này không phải là một bến cảng quân sự như cách giải thích trước đó mà là một "hồ nước thiêng có chức năng theo dõi thiên văn, nằm ở trung tâm của một khu bảo tồn hoành tráng". Khám phá đã góp phần làm sáng tỏ nền văn hóa Phoenicia cổ đại và mối liên hệ của họ với thiên nhiên.


Ví trí của hồ nước thiêng trên bản đồ.

Kothon (thuật ngữ được sử dụng bởi các tác giả Hy Lạp và Latinh) ban đầu được phát hiện vào đầu những năm 1920, có niên đại từ năm 550 đến năm 397 trước Công nguyên. Ban đầu, các nhà khảo cổ học cho rằng đó là một bến cảng nhân tạo. Suy nghĩ này xuất phát từ việc có một cấu trúc tương tự đã tồn tại ở Carthage có chức năng như một cảng quân sự.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã bác bỏ cách giải thích lâu đời này, cho rằng cấu trúc 2.500 năm tuổi thực chất là một hồ nước thiêng, khiến nơi đây trở thành một trong những hồ nước lớn nhất được tìm thấy ở khu vực Địa Trung Hải.

Các cuộc khai quật tại địa điểm này từ năm 2002 đến năm 2010 đã giúp con người phát hiện ra Đền thờ Ba’al. Ngôi đền được tìm thấy dọc theo rìa của kothon, được cho là nơi tôn vinh các vị thần của Phoenicia. Việc phát hiện ra một ngôi đền gần nơi được cho là một bến cảng quân sự đã khiến các nhà nghiên cứu không khỏi thắc mắc. Do đó, họ đã nỗ lực không ngừng nghỉ suốt hàng thập kỷ để nghiên cứu sâu hơn về khu vực. Nhóm nghiên cứu đã phải thoát hết nước và khai quật lưu vực, có chiều dài 172 foot (52,5 mét) và rộng 119 foot (36,25 mét). Kích thước này lớn hơn một hồ bơi cỡ Olympic.


"Kothon" đã được thoát nước trong quá trình khai quật

Nigro cho biết: “Chúng tôi đã khai quật địa tầng từng lớp một để tái tạo lại lịch sử phức tạp của khu vực và phát hiện nó vốn được kết nối với tầng chứa nước suối tự nhiên”. Thật vậy, như các cuộc khai quật đã tiết lộ, kothon được cho là không kết nối với biển, thay vào đó, nước ở đây được cung cấp bởi các suối tự nhiên. Vì vậy, việc cho rằng nơi đây từng là cảng biển là hoàn toàn vô căn cứ.

Quan trọng hơn, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện ra một ngôi đền gần hồ nước, một công trình kiến trúc dành riêng cho nữ thần Astarte của người Phoenicia, và một tòa nhà thứ ba có nhãn "Khu bảo tồn của Nước Thánh". Đá chôn, bàn thờ, đồ thờ cúng và bệ ở giữa bể cũng được phát hiện. Bệ vẫn còn dấu tích phần chân của một bức tượng cao từng đứng trên đỉnh. Các nhà khoa học tin rằng bức tượng này tượng trưng cho thần Ba-anh. Tổng hợp lại các bằng chứng, nhóm nghiên cứu kết luận hồ nước là trung tâm của một khu bảo tồn tôn giáo.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Một bản đồ của hồ nước cho thấy nó được căn chỉnh phù hợp với vị trí của các ngôi sao và được sử dụng để theo dõi các chuyển động của thiên thể. Cụ thể, các nhà nghiên cứu viết:

"Mặt nước giống như một màn hình lớn, có thể được sử dụng để quan sát thiên văn bằng cách sử dụng các cực để đánh dấu vị trí của các ngôi sao phản chiếu trong nước, cho phép quan sát và đo lường các thiên thể cũng như góc của chúng so với đường chân trời".

Nigro cho biết phát hiện đặc biệt này khiến ông rất phấn khích: “Thực tế là người Phoenicia cổ đại đã có ý định dung hòa cuộc sống của họ với vũ trụ và thiên nhiên… Đối với họ, các vị thần là những ngôi sao và thiên nhiên là nguồn cảm hứng trong cuộc sống".


Sau khi khai quật, bồn được đổ đầy nước trở lại và bức tượng phục dựng được đặt trên bệ ở trung tâm.

Việc xác định lại kothon và đặc điểm của vực này mang lại cho nhân loại hiện nay thêm kiến thức về người Phoenicia cổ đại, một nền văn minh kéo dài từ khoảng năm 2500 trước Công nguyên đến năm 64 trước Công nguyên, khi nhà lãnh đạo Pompey chinh phục Phoenicia. Theo Nigro, những phát hiện mới cho thấy người Phoenicia đã “sử dụng khu phức hợp tôn giáo này như một nơi để hòa trộn và trao đổi văn hóa truyền thống cũng như tập hợp các nền văn hóa Địa Trung Hải khác nhau”. Tuy nhiên, sự cởi mở này đã phải trả giá đắt vì dẫn đến cuộc vây hãm Motya vào năm 398-397 trước Công nguyên.

Sau khi hoàn thành công việc khai quật, nhóm của Nigro đã đổ đầy lại lưu vực và đặt một bức tượng của Ba-anh lên bệ. Mọi thứ đã được phục dựng, gợi nhắc về nơi linh thiêng đã từng tồn tại cách đây rất nhiều năm.

Cập nhật: 21/03/2022 Theo VnReview
  • 305