Các nhà khảo cổ Mỹ phát hiện hóa thạch của một chủng người cổ đại mới ở Ethiopia, có niên đại hơn ba triệu năm.
Giới khoa học phát hiện xương hàm và răng của người cổ đại tại vùng Afar, Ethiopia. Hóa thạch có niên đại khoảng 3,3-3,5 triệu năm tuổi, thuộc về một người cổ đại mới gọi là Australopithecus deyiremeda, có nghĩa là "người thân" trong ngôn ngữ của người Afar.
Hóa thạch xương hàm của người Australopithecus deyiremeda. (Ảnh: Laura Demsey)
"Chúng tôi quan sát các chi tiết giải phẫu học, hình thái của hàm răng, quai hàm và nhận ra sự khác biệt lớn. Người Australopithecus deyiremeda có phần hàm chắc khỏe, răng nhỏ hơn so với chủng người chúng ta từng biết đến trong quá khứ", BBC dẫn lời chuyên gia Yohannes Haile Selassie thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland cho hay.
Australopithecus deyiremeda nhiều khả năng là một trong số bốn nhóm người cổ đại sinh sống cùng thời điểm trong quá khứ. Nổi tiếng nhất trong số này là Australopithecus afarensis (Lucy), được cho là tổ tiên trực tiếp của con người. Hai nhóm còn lại là Kenyanthropus platyops và Australopithecus bahrelghazali.