Các nhà khoa học người Anh đã phát hiện thấy hóa thạch giống tảo trong những mảnh thiên thạch rơi xuống Sri Lanka vào năm ngoái.
Một thiên thạch phát nổ trên bầu trời thành phố Polonnaruwa của Sri Lanka vào tháng 12/2012. Sau đó vài ngày, các mảnh vỡ từ thiên thạch được tìm thấy và gửi tới Viện nghiên cứu y học Sri Lanka. Kết quả phân tích ban đầu bằng kính hiển vi cho thấy dấu hiệu của tảo cát trên các mảnh thiên thạch.
Tìm thấy bằng chứng cho giả thuyết sự sống trên Trái đất bắt nguồn từ thiên thạch.
Để có kết luận chính xác, một số mảnh thiên thạch sau đó đã được gửi tới Trường Đại học Cardiff ở xứ Wales để được phân tích kỹ hơn. Các nhà khoa học của trường đại học Cardiff cũng khẳng định rằng các mảnh thiên thạch này có thể tồn tại sự sống, sau khi họ phát hiện thấy cấu trúc hóa thạch giống tảo trên các mảnh thiên thạch.
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Cardiff phân tích các mảnh thiên thạch qua 2 bước. Đầu tiên, họ khẳng định các mảnh thiên thạch có chứa hóa thạch giống tảo, sau đó tiến hành tìm bằng chứng để loại bỏ khả năng các mảnh thiên thạch lẫn vật chất từ Trái đất.
Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy các thiên thạch có rất ít Nitơ - thành phần gần như luôn xuất hiện trong các tổ chức sống hiện đại trên Trái đất. Kết quả phân tích đồng vị ôxy cũng cho thấy các mảnh thiên thạch hoàn toàn không bị nhiễm "bẩn”.
Phát hiện mới nhất này là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự sống trên Trái đất bắt đầu khi một thiên thạch chứa tổ chức sống đơn giản rơi xuống hành tinh của chúng ta cách đây hàng tỷ năm. Điều này cũng chứng tỏ sự sống có thể tồn tại bất cứ đâu trong vũ trụ.
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của sự sống trên Trái đất. Ngoài giả thuyết sự sống bắt nguồn từ thiên thạch hay sao chổi, một giả thuyết khác cho rằng sự sống trên hành tinh của chúng ta tiến hóa từ các phần tử vô cơ từ thời kỳ Trái đất mới hình thành. Một giả thuyết khác lại cho rằng một nhóm người ngoài hành tinh đã gửi thiên thạch hay tàu vũ trụ chứa đầy tổ chức sống tới Trái đất.