Một món thừa kế vị tổ tiên chung sống vào khoảng 748 - 604 triệu năm trước trao cho cả con người và một quái vật bất tử của đại dương đem đến nhiều dữ liệu thú vị cho cả ngành sinh vật học và khoa học tiến hóa ở con người.
"Quái vật bất tử" đó là loài hải quỳ, một sinh vật bé nhỏ nhưng sở hữu những khả năng "đáng mơ ước" như nhanh chóng mọc lại những xúc tu nếu bị đứt, thậm chí bị... đứt đầu vẫn không chết mà từ từ mọc lại.
Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà sinh vật học Nagayasu Nakanishi từ Đại học Arkansas (Mỹ) cho thấy một gene liên quan đến sự phát triển thính giác ở người cũng đồng thời có liên quan đến sự phát triển giác quan của hải quỳ, được cho là thừa hưởng từ vị tổ tiên chung cuối cùng sống vào khoảng 748 - 604 triệu năm trước.
Nghiên cứu mới cung cấp thêm một đặc điểm tiến hóa thú vị ở con người - (Ảnh: TECHNO PIXEL)
Đó là gene đặc biệt được gọi là pou-iv, được tìm thấy trong các xúc tu của loài hải quỳ Nematostella vectensis, được xác định là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một số giác quan của động vật.
Nó cần thiết cho sự phát triển của tế bào lông mà ở con người và các động vật có xương sống khác chính là các thụ thể cảm giác của hệ thống xúc giác. Thí nghiệm trên chuột cho thấy khi gene này bị "hạ gục", chúng sẽ bị điếc.
Loài hải quỳ trong nghiên cứu có các tế bào lông tương tự trên các xúc tu, nhưng được dùng cho cơ quan cảm giác - để cảm nhận chuyển động. Chức năng của các tế bào này cũng bị "tắt" khi pou-iv bị vô hiệu hóa.
"Nghiên cứu này rất thú vị vì nó không chỉ mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới về cách cảm biến cơ học phát triển và hoạt động ở hải quỳ, mà còn cho chúng ta biết rằng các "khối xây dựng" cảm giác thính giác của chúng ta có nguồn gốc tiến hóa cổ đại, từ hàng trăm triệu năm trước" - tờ Science Alert dẫn lời tiến sĩ Nakanishi.
Nghiên cứu vừa công bố trên eLife.