Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đã phát hiện hóa thạch một loài động vật có vú cổ xưa nhất phân bố khắp lục địa Á Âu cách đây 160 triệu năm.
>>> Phát hiện tổ tiên 165 triệu năm tuổi của loài người
Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc tuyên bố họ vừa phát hiện một bộ xương gần như nguyên vẹn của “loài động vật có vú lâu đời nhất và tiến hóa thành công nhất” trên Trái đất.
Được đặt tên là "Rugosodon eurasiaticus", loài sinh vật mới được phát hiện này trông giống như một con chuột hay con sóc nhỏ. Nó sinh sống trên Trái đất cách đây 160 triệu năm và là những thành viên đầu tiên của nhóm động vật có vú multituberculate, vốn sinh sôi nảy nở cách đây từ 35 đến 170 triệu năm.
Hóa thạch của loài Rugosodon
Multituberculate xuất hiện trong kỷ Jura và tuyệt chủng vào kỷ nguyên Oligocene, thống trị những môi trường sống rất phong phú trong hơn 100 triệu năm trước khi bị hạ bệ bởi loài động vật gặm nhấm hiện nay.
Trong tuyên bố của mình, nhóm các nhà khoa học đến từ Học viện Khoa học Địa lý Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bắc Kinh và Đại học Chicago cho biết: “Loài động vật có vú mới này có hàm răng lởm chởm với vô số những răng nhỏ và những đường rãnh và hốc, chứng tỏ nó là một loài ăn tạp. Thức ăn của nó là lá cây, hạt dương xỉ và cây hạt trần cùng với giun và côn trùng".
Các nhà nghiên cứu mô tả xương mắt cá của loài Rugosodon là “cực kỳ linh hoạt và cơ động”, một đặc điểm chứng tỏ đây là loài động vật chạy rất nhanh và lanh lợi.
“Các hậu duệ của multituberculate ở kỷ Phấn trắng và kỷ Paleocene đã phân hóa về chức năng rất mạnh mẽ, một số loài có thể nhảy, một số có thể đào hang, số khác có thể trèo cây và nhiều loài sống trên mặt đất. Loài multituberculate trèo cây và nhảy nhót có xương mắt cá thú vị nhất vì chúng có khả năng “quay ngược đằng sau”", giáo sư ZheXi Luo thuộc Đại học Chicago cho biết.
Hình ảnh tái hiện của Rugosodon
“Điều đáng ngạc nhiên ở đây là những đặc điểm ở xương mắt cá này cũng đã xuất hiện ở loài Rugosodon”, ông bổ sung.
Các nhà nghiên cứu nói rằng Rugosodon là loài sống về đêm trên bờ hồ khu vực khí hậu ôn hòa ở huyện Jianchang tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc ngày nay.
Trong thời kỳ đó, chúng chia sẻ lãnh đại với loài khủng long có lông Anchiornis, thằn lằn bay Darwinipterus, các loài động vật chân đốt và một số loài động vật có vú khác.
Hóa thạch mới được phát hiện ở miền đông Trung Quốc này rất giống với răng hóa thạch của multituberculate cuối kỷ Jura được phát hiện ở Bồ Đào Nha.
Giáo sư Luo nhận định: “Điều này cho thấy loài Rugosodon và các họ hàng multituberculate gần của nó đã phân bố trên khu vực rộng khắp toàn bộ lục địa Á Âu".