Mới đây các nhà khoa học đã kết luận được rằng, bộ hóa thạch khủng long được tìm thấy vào năm 2008 thuộc về một loài khủng long khổng lồ hoàn toàn mới.
Các nhà khoa học khẳng định họ đã phát hiện ra một loài khủng long mới, có thể coi coi là một trong những loài lớn nhất trên hành tinh, sau khi nghiên cứu bộ hóa thạch bí ẩn được tìm thấy vào năm 2008 trong một cuộc thám hiểm trên bờ sông Kiya, gần làng Shestakovo trong vùng Kemerovo của phía tây nam Siberia.
Đội nghiên cứu nhận định loài động vật khổng lồ này đã sống trên Trái đất từ 100 triệu năm trước, ước tính nặng 100 tấn, cao 20 mét, dài tới 40 mét – tương đương với chín chiếc xe buýt loại hai tầng.
Ban đầu, các chuyên gia tại Đại học Tomsk (Nga) cho rằng bộ xương này của “động vật ăn cỏ khổng lồ", nhưng phân tích sâu hơn chỉ ra đây có thể là một sinh vật “bí ẩn” chưa từng được nghiên cứu. Loài mới này sẽ có tên Sibirosaurus.
Hóa thạch loài khủng long khổng lồ này được tìm thấy từ năm 2008. (Ảnh Telegraph)
Trước đây, các nhà khoa học từng tìm thấy các xương hóa thạch của một loài khủng long được cho là động vật lớn nhất từng xuất hiện trên trái đất, có chiều dài 40 m và cao 20 m, tại Argentina. Họ tin rằng đây là một loài mới của khủng long khổng lồ - một loài khủng long ăn cỏ sống cuối thời kỳ kỷ Phấn trắng.
Dựa vào các phần xương đùi lớn, các nhà nghiên cứu tin rằng loài khủng long mới được phát hiện dài 40 m và cao 20 m. Với trọng lượng 77 tấn, nó nặng tương đương 14 con voi châu Phi và nặng hơn 7 tấn so với loài động vật được tin là lớn nhất thế giới trước đó, khủng long Argentinosaurus.
Đội nghiên cứu đã tìm thấy các bộ xương không hoàn chỉnh của 7 cá thể - khoảng tổng cộng 150 mảnh xương, tất cả đều trong điều kiện còn tương đối nguyên vẹn. Loài khủng long khổng lồ này từng sống tại các vùng rừng ở Patagonia từ 95-100 triệu năm trước, dựa vào tuổi của các khối đá mà những mảnh xương được tìm thấy trong đó.