Phát hiện loài ruồi nhỏ nhất thế giới

  •  
  • 2.079

Tiến sĩ Brian Brown đến từ Viện bảo tàng lịch sử Quốc gia Los Angeles (Mỹ) và các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu sâu bọ Thái Lan, đã phát hiện một loài ruồi mới, được đặt tên là Euryplatea nanaknihali, tại Vườn quốc gia Kaeng Krachan, Thái Lan.

Ruồi Euryplatea nanaknihali sống ký sinh trên cơ thể một loài kiến.
Ruồi Euryplatea nanaknihali sống ký sinh trên cơ thể một loài kiến.

“Loài ruồi mới được rất nhỏ và bạn chỉ thể nhìn thấy nó bằng mắt thường qua kính hiển vi. Nó thậm chí còn nhỏ hơn cả bột ớt xay. Ruồi bình thường sẽ trông giống như ruồi khổng lồ nếu so với loài ruồi tí hon Euryplatea nanaknihali”, tiến sĩ Brian Brown, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Live Science.

Loài ruồi Euryplatea nanaknihali có chiều dài cơ thể chỉ khoảng 0,4mm - chưa bằng 1/5 ruồi giấm và nhỏ hơn 1 hạt muối. Với kích thước này, Euryplatea nanaknihali được coi là loài ruồi nhỏ nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, chúng chưa phá được kỷ lục loài côn trùng nhỏ nhất thế giới, đang thuộc về một loài ong tí hon với chiều dài cơ thể chỉ 0,14mm.

“Đây là một phát hiện vô cùng bất ngờ. Bởi vì bạn khó tưởng tượng được một sinh vật tí hon vẫn có thể có đầy đủ các bộ phận trong cơ thể. Phát hiện này là một thách thức đối với những người khác trong việc tìm ra một loài ruồi mới nhỏ hơn”, tiến sĩ Brian Brown cho biết.

Euryplatea nanaknihali là loài ruồi sống ký sinh trên cơ thể một loài kiến nhỏ có kích thước tương đương loài ruồi này. Đầu tiên, ruồi đẻ trứng vào trong cơ thể của kiến. Sau đó, trứng sẽ phát triển thành ấu trùng ruồi và di chuyển lên phần đầu của kiến và ăn hết phần cơ “khổng lồ” được sử dụng để đóng mở miệng của kiến.

Cuối cùng, chúng sẽ ăn hết não của kiến trước khi những ấu trùng ruồi này chui ra khỏi màng bọc và khiến đầu kiến bị tách ra khỏi cơ thể. Những con ruồi mới sinh sẽ ở lại trong những chiếc đầu kiến trong vòng 2 tuần, trước khi trở thành ruồi trưởng thành hoàn toàn.

Theo Đất Việt, Livescience
  • 2.079