Nhờ công nghệ radar xuyên đất, các nhà khoa học tìm ra con thuyền cổ dài 19m vùi dưới lòng đất mà không cần khai quật.
Nhóm chuyên gia địa phương và thành viên Viện Di sản Văn hóa Na Uy (NIKU) sử dụng công nghệ radar xuyên đất để lập bản đồ khu vực nhà thờ cổ trên đảo Edoy, phía tây Na Uy, Ancient Origins hôm 24/11 đưa tin.
Nhà thờ gần vị trí phát hiện mộ thuyền trên đảo Edoy. (Ảnh: Ancient Origins).
Nhóm chuyên gia nghiên cứu địa điểm này từ năm 2018 nhưng đến tháng 9 năm nay mới phát hiện mộ thuyền. Công nghệ radar xuyên đất cho phép họ phát hiện đường viền của con thuyền nằm ngay dưới lớp đất mặt, theo Knut Paasche, nhà khảo cổ tại NIKU.
Radar xuyên đất sử dụng xung radar để lập hình ảnh khu vực bên dưới lớp đất mặt. Công nghệ này giúp xác định đường viền của công trình và vật thể. Đây là biện pháp nghiên cứu không xâm lấn, cho phép các nhà khảo cổ không cần tiến hành khai quật. Công nghệ radar xuyên đất do Viện Thăm dò Khảo cổ Ludwig Boltzmann (Áo) cùng các đối tác phát triển và được nhiều nước áp dụng thành công.
Hình ảnh radar cho thấy con thuyền cổ dài 19m. (Ảnh: Ancient Origins).
Con thuyền ước tính khoảng 1.000 năm tuổi hoặc hơn, thuộc thời Viking hoặc Merovingian. Dựa vào dữ liệu mới và các mộ thuyền khác do radar xuyên đất phát hiện, các chuyên gia nhận định con thuyền dài khoảng 19 m. Nó cũng không còn nguyên vẹn. Mũi và đuôi thuyền có vẻ đã mục rữa hoặc bị phá hủy. Điều này có thể do nông dân cày xới đất.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng về tổng thể, con thuyền vẫn được bảo quản tốt. Tại Na Uy, chỉ có ba mộ thuyền trong tình trạng tốt tương tự và đều được phát hiện từ nhiều năm trước. Mộ thuyền tại Edoy có thể chứa nhiều vật dụng giá trị về mặt khảo cổ.
Mộ thuyền là phong tục đặt người chết vào một chiếc thuyền rồi đem chôn. Người Viking tin rằng cách mai táng này giúp người chết thuận lợi hơn khi sang thế giới bên kia. Theo giới chuyên gia, mộ thuyền Viking dành cho những người có địa vị cao. Trong mộ thường chứa nhiều cổ vật, bao gồm vũ khí và trang sức.