Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa khởi động lại việc khai quật các chiến binh đất nung sau 24 năm gián đoạn. Đây là khu vực thứ ba được đào lên kể từ khi khu mộ Tần Thủy Hoàng được tìm thấy vào năm 1974.
Các chuyên gia hy vọng phát hiện thêm nhiều chiến binh được chạm khắc công phu để bổ sung “bộ sưu tập” 1.000 tượng quân lính đã được tìm thấy. Đặc biệt, các nhà khảo cổ học mong muốn tìm thêm được nhiều tượng sĩ quan cao cấp bởi phần lớn những bức tượng đã được phát hiện là người bắn cung, người đánh xe ngựa và lính bộ binh, giúp bảo vệ vua Tần ở thế giới bên kia.
Các nhà khảo cổ học cẩn thận tách từng lớp bụi trên tượng.
Vùng khai quật mới sẽ tập trung vào khu vực rộng khoảng 660 m2 quanh phần mộ chính. Quá trình bảo dưỡng đặc biệt sẽ được áp dụng để bảo vệ các chi tiết nhỏ của từng bức tượng trước “sự tấn công” của không khí.
Cao Wei, Giám đốc Bảo tàng, cho biết việc khai quật đã khó nhưng bảo tồn những “báu vật” đó còn nhiều thách thức hơn. Một nhà khảo cổ học tiết lộ, Bảo tàng đang hợp tác với khoa di tích văn hóa của một trường ĐH ở Đức từ nhiều năm nay để tìm ra một công nghệ thích hợp giúp bảo tồn màu sắc của các bức tượng đất nung này.
Các chiến binh dần dần lộ lên dưới lớp đất sâu.
Tổng cộng, ở ba hố đào có khoảng 8.000 chiến binh có kích thước như người thật, gồm người bắn cung, lính bộ binh, người điều khiển xe ngựa, chỉ huy và người nhào lộn, cộng với 130 xe ngựa, 520 con ngựa và 150 kỵ binh. Mỗi bức tượng có chiều cao khoảng 1,8 m và nặng khoảng 181 kg.
Điểm đặc biệt là các chiến binh này được chạm khắc rất tỉ mỉ và không có hai bức tượng nào giống nhau. Nhiều người cho rằng những người thợ tài hoa đã làm nên chúng từ chính hình mẫu ngoài đời thực.
Theo tính toán của các nhà khảo cổ học, có tổng cộng khoảng 8.000 chiến binh.
Khu vực lăng mộ bỗng dưng biến mất 5 năm sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời sau một cuộc tấn công của quân thù. Một trận hỏa hoạn phá hủy hầu hết công trình. Kể từ khi khai quật, các bức tượng phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ nấm mốc, độ ẩm, bụi bẩn, khói than từ công nghiệp địa phương.
Khu mộ của Tần Thủy Hoàng thu hút nhiều khách tham quan.
Khu mộ cổ cùng bảo tàng trưng bày hằng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Các sản phẩm ăn theo như tượng đá với đủ kích cỡ được bày bán nhiều trong các cửa hàng lưu niệm trên toàn quốc. Cuộc triển lãm 20 bức tượng chiến binh Tần Thủy Hoàng và hàng chục loại vũ khí từ ngôi mộ đã “cháy vé” khi tới London, California, Houston và Washington hồi năm ngoái.
Tần Thủy Hoàng mất năm 210 trước Công nguyên ở tuổi 50. Ông là người thành lập đế chế phong kiến tập quyền đầu tiên ở Trung Quốc bằng cách chinh phục các vùng đất, mở mang bờ cõi. Là “nỗi kinh hoàng” trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đã cho xây dựng một hệ thống đường sá và kênh rạch dọc Vạn Lý trường thành thuở sơ khai. Bên cạnh đó, ông cho thống nhất hệ thống đo lường, hình thành ngôn ngữ viết duy nhất, hệ thống tiền tệ và luật pháp. |