Phát hiện mới về nguồn điều chế vắc xin đậu mùa

  •  
  • 235

Vắc xin đậu mùa có thể được điều chế từ virus đậu ngựa chứ không phải virus đậu bò như các chuyên gia nghĩ.

Theo nghiên cứu mới của Viện Robert Koch ở Berlin, Đức, vắc xin đậu mùa, loại vắc xin đầu tiên xuất hiện trên thế giới và được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử y học, có thể được điều chế từ virus đậu ngựa chứ không phải virus đậu bò như mọi người vẫn tưởng, Newsweek hôm 11/10 đưa tin.

Các chuyên gia điều chế vắc xin đậu mùa.
Các chuyên gia điều chế vắc xin đậu mùa. (Ảnh: Magnolia Box).

Vắc xin đậu mùa do bác sĩ người Anh Edward Jenner, cha đẻ ngành miễn dịch hiện đại, chế tạo năm 1798. Dù nó đã cứu sống vô số sinh mạng, nhưng giới khoa học vẫn chưa thể hiểu chính xác cơ chế kháng bệnh của loại vắc xin này. Các bác sĩ và nhà sử học cho rằng nó được điều chế từ virus đậu bò, một bệnh tương tự đậu mùa.

Để tiến hành phân tích, nhóm nghiên cứu lấy một mẫu vắc xin đậu mùa năm 1902, một trong những mẫu vắc xin ra đời sớm nhất do hãng H.K. Mulford sản xuất. Kết quả cho thấy, loại vắc xin này được chế tạo từ virus đậu ngựa, một virus tương tự về gene nhưng lại hoàn toàn khác.

"Nếu tiêm cho bò một trong ba loại virus này, ta sẽ rất khó nhận thấy sự khác biệt. Trước đây, bất cứ bệnh nào gây thương tổn dạng nổi nốt mủ đều gọi là đậu bò. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng minh rằng virus đậu ngựa được dùng trong vắc xin đậu mùa", Clarissa Damaso, chuyên gia virus và sinh học phân tử tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, đồng tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết.

Những năm 1930, các nhà khoa học phân tích một phôi thai gà và phát hiện virus đậu mùa hoàn toàn không phải virus đậu bò. Đậu mùa, đậu bò và đậu ngựa là các virus khác nhau nhưng cùng giống.

Các nhà khoa học phân tích mẫu vắc xin sản xuất năm 1902.
Các nhà khoa học phân tích mẫu vắc xin sản xuất năm 1902. (Ảnh: Gears of Biz).

Có thể virus đậu bò và đậu ngựa đã được dùng thay nhau để chế tạo vắc xin mà không ai biết, Damaso nhận định. Các vắc xin đậu mùa hiện nay sử dụng một virus khác gọi là vaccinia, không phải virus đậu bò hay đậu ngựa.

Các nhà khoa học và sử học từng tin rằng vắc xin đậu mùa được phát triển từ virus đậu bò vì Jenner điều chế nó sau khi rút dịch từ nốt mủ của một người vắt sữa bò nhiễm bệnh, mà người này từng tiếp xúc với lũ bò bị ốm. Ông phát hiện, việc tiêm chất này cho người khỏe mạnh có thể giúp người đó miễn dịch với đậu mùa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố loại trừ hoàn toàn bệnh đậu mùa, căn bệnh đã tồn tại khoảng 3.000 năm, nhờ chương trình Tiêu diệt Đậu mùa. Chương trình kéo dài từ năm 1966 đến năm 1980, đánh dấu nỗ lực đầu tiên chống lại một căn bệnh trên quy mô toàn cầu.

Trường hợp nhiễm đậu mùa tự nhiên cuối cùng xảy ra ở Somalia năm 1977, theo WHO. Từ đó mới chỉ có duy nhất một trường hợp nhiễm bệnh vào năm 1978 do tiến hành thí nghiệm thiếu an toàn trong một phòng thí nghiệm nằm ngoài kiểm soát ở Birmingham, Anh. Vụ việc khiến một người tử vong và thúc đẩy các nhà chức trách đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn.

Bức tượng mô phỏng cảnh Edward Jenner tiêm vắc xin cho con trai.
Bức tượng mô phỏng cảnh Edward Jenner tiêm vắc xin cho con trai. (Ảnh: Newsweek).

Ngày nay, virus đậu mùa vẫn được cất giữ trong các phòng chứa ở trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại Atlanta, Georgia, và Trung tâm Nghiên cứu Virus và Công nghệ sinh học (VECTOR) ở Novosibirsk, Nga. Cả hai cơ sở đều tuân theo những hiệp định quốc tế về sử dụng và kiểm soát các loại virus. WHO cũng tiến hành kiểm tra định kỳ để đánh giá mức độ an toàn của các cơ sở này.

WHO đề xuất tiêu hủy toàn bộ số virus năm 2014, Damaso cho biết. Tuy nhiên, có thể cộng đồng khoa học quốc tế sẽ không chấp nhận kế hoạch này. Số virus rất hữu ích cho việc nghiên cứu phát triển những biện pháp điều trị thử nghiệm cho nhiều căn bệnh khác, ví dụ như ung thư.

Các nhà khoa học có thể bổ sung gene từ những sinh vật khác vào bộ gene của virus để nghiên cứu tác động của chúng, hoặc bổ sung gene kích thích hệ miễn dịch chống lại ung thư. "Về cơ bản, nó được dùng như vật trung gian để vận chuyển gene từ những năm 1980", Damaso nói.

Một nguyên nhân nữa khiến các chuyên gia do dự khi tiêu hủy số virus đậu mùa này là hiện nay, con người vẫn chưa tìm ra loại thuốc kháng virus có thể chữa trị căn bệnh này. Nhiều chuyên gia tin rằng, tìm ra phương pháp điều trị là biện pháp đề phòng cần thiết cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

"Ai cũng nói về khả năng bệnh đậu mùa xuất hiện lại do những kẻ khủng bố sinh học. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng sẽ không dùng vắc xin nữa", Damaso nhận xét.

Cập nhật: 13/10/2017 Theo VnExpress
  • 235