Phát hiện mới về "trải nghiệm cận tử": Não vẫn hoạt động tới 60 phút sau khi tim ngừng đập

  •   4,52
  • 752

Các nhà khoa học phát hiện ra, não người vẫn có thể hoạt động tới 60 phút sau khi tim ngừng đập.

Tín hiệu sóng não cùng những hồi ức về cuộc sống đã có thể giải thích những gì được gọi là “trải nghiệm cận tử”. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, cứ 10 đối tượng tham gia thử nghiệm thì có 4 người mô tả lại được những gì xảy ra trong tiềm thức sau khi cận kề tử vong.

Các nhà nghiên cứu cho biết có khoảng 350.000 đến 750.000 ca ngừng tim xảy ra ở Mỹ mỗi năm, trung bình khoảng 1.000 - 2.000 ca/ngày và tỷ lệ sống sót là 10%, tương đương khoảng 100–200 bệnh nhân sống sót sau khi bị ngừng tim mỗi ngày và được điều trị rải rác tại hơn 6.000 bệnh viện. Để tập hợp đủ số người sống sót sau khi bị ngừng tim nhằm thực hiện một nghiên cứu có ý nghĩa thống kê, đòi hỏi các nhà nghiên cứu đã phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực.

Nghiên cứu được tiến hành từ năm 2015, tập trung vào các bệnh nhân hồi sức tim, phổi (CPR) và khử rung tim. Do các yếu tố đạo đức và tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân ngừng tim quá thấp (chỉ khoảng 10%) nên đây là nghiên cứu rất có giá trị đối với những người quan tâm đến trải nghiệm cận tử và hoạt động của não người.

Nghiên cứu được công bố đầu năm 2023 trên tạp chí Resusitation với sự tham gia của mạng lưới 25 bệnh viện ở các bang của Mỹ và tại hai nước Bulgaria và Vương quốc Anh. Các bệnh nhân, khi gặp phải tình trạng ngưng tim, sẽ được gắn bộ dụng cụ gồm máy tính bảng (hiển thị ngẫu nhiên 10 hình ảnh), tai nghe (phát ngẫu nhiên ba từ: chuối, táo hoặc lê) và máy đo điện não đồ - EEG để đo hoạt động cũng như theo dõi lượng oxy trong não. Bộ dụng cụ này được cài đặt theo quy trình không làm cản trở quá trình hồi sức CPR.

Sau khi ngưng tim, các nhà khoa học vẫn ghi nhận sự hoạt động từ não
Khi thực hiện hô hấp nhân tạo cấp cứu các bệnh nhân ngừng tim, các nhà khoa học không phát hiện bất cứ dấu hiệu nhận thức nào nhưng vẫn ghi nhận sự hoạt động từ não, thậm chí là các giấc mơ.

Trong khoảng 3 năm tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi 567 trường hợp bị ngừng tim với 53 trường hợp sống sót, 28 người trong số đó có thể hoàn thành việc sàng lọc và phỏng vấn phục vụ nghiên cứu.

Trải nghiệm cận tử

Trong nghiên cứu, chỉ 28/567 người sống sót sau khi bị ngừng tim và có thể hoàn thành các đánh giá, khảo sát về nhận thức. Trong đó, 4/10 bệnh nhân ý thức được “ở một mức độ nào đó” sau CPR. Trong số 28 người sống sót: 11 người cho biết họ có ký ức hoặc cảm giác tương tự trong những phút tim ngừng đập; 06 người cho biết đã trải qua “trải nghiệm vượt ra ngoài cái chết” và 03 người cho biết cảm nhận một cái gì đó giống như những giấc mơ.

Không ai trong số đó có biểu hiện thực sự giữ được đầy đủ ý thức. Mỗi bệnh nhân lại cho những trải nghiệm riêng của mình như gặp lại người thân đã mất và nhận được lời khuyên “hãy trở về”; xuất hiện bên ngoài cơ thể và quan sát các bác sĩ hô hấp nhân tạo cấp cứu mình; nhớ lại những khoảnh khắc trong quá khứ; thậm chí một số có cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ như bản thân bước vào một vũng nước, nhưng khi trở ra bản thân không bị ướt mà đã trở thành một phần trong đó.

Phát hiện mới

Thực tế, đây chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu nhỏ với lượng dữ liệu tham chiếu trên số ít bệnh nhân, do đó trước mắt nó chú yếu chỉ có tác dụng khích lệ các nhà khoa học tiếp tục các nghiên cứu tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nghiên cứu đã có một đóng góp quan trọng là cho thấy hoạt động của não người bệnh vẫn kéo dài đến 60 phút sau khi bắt đầu ngừng tim và bắt đầu quá trình cấp cứu hồi sức.

Trong một tuyên bố của Đại học New York, nhà nghiên cứu Sam Parnia cho biết: “Lâu nay, các bác sĩ đều nghĩ rằng não người sẽ bị tổn thương vĩnh viễn sau khi tim ngừng cung cấp oxy khoảng 10 phút, nhưng nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng vẫn có dấu hiệu phục hồi điện não đồ trong suốt thời gian tiến hành CPR”. Việc não vẫn tiếp tục hoạt động là một thách thức đối với hiểu biết thông thường, đó có thể là giải thích khá thống nhất cho các chủ đề mà nhiều người kể lại trong trải nghiệm cận tử và là lý do để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm.

Trong đó, có thể khẳng định những nỗ lực định hướng hoặc tác động đến tiềm thức trong trải nghiệm cận tử bằng hình ảnh hoặc âm thanh gần như không thành công với chỉ 1/28 người tham gia nghiên cứu xác định được ba từ được nói và không ai xác định được hình ảnh. Theo một cách nào đó, điều này củng cố rằng những gì xảy ra trong trải nghiệm cận tử của con người nằm sâu bên trong tiềm thức, một sự tồn tại ngay cả khi một phần não bộ đã dừng hoạt động.

Theo một công bố năm 2019 thì đối lập với những người có trải nghiệm cận tử là những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn với tỷ lệ gặp ác mộng cao hơn. Có lẽ sự thay đổi từ trong não bộ từ điều kiện được cung cấp đủ oxy sang cung cấp ít oxy hơn đã gây ra sự thay đổi trong ý thức. Ở những bệnh nhân ngưng thở, cảm giác có thể giống như khẩn cấp và hoảng sợ hơn, dẫn đến ác mộng. Nhưng trong quá trình hồi sức tim kéo dài, có vẻ bình yên hơn.

Cập nhật: 27/12/2023 VTC
  • 4,52
  • 752