Phát hiện một loài tắc kè mới

  •  
  • 1.963

Một loài tắc kè thuộc giống Gekko vừa được công bố dựa trên mẫu vật thu thập được ở vùng núi đá vôi của tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với tên khoa học Gekko adleri Nguyen, Wang, Yang, Lehmann, Le, Ziegler & Bonkowski, 2013.

Phát hiện một loài tắc kè mới

Loài mới được đặt theo tên GS Kraig Adler, một nhà nghiên cứu bò sát và ếch nhái nổi tiếng của Hoa Kỳ. Bài báo mô tả loài mới là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc và Đức vừa được công bố trên tạp chí Zootaxa số 3652 (tháng 5/2013).

Tắc kè adlơ có đặc điểm nhận dạng chiều dài đầu và thân tới 75mm, dài đuôi tới 83mm; có một vảy gian mũi, nhỏ hơn vảy  trên mũi; vảy sau cằm phình to; số vảy giữa hai ổ mắt từ 27 – 36; số hàng nốt sần ở giữa thân 7 – 11; số vảy bụng từ vảy sau cằm đến hậu môn 168 – 190; số hàng vảy quanh giữa thân 123 – 144; số hàng vảy bụng ngang giữa thân 35 – 44; số bản mỏng dưới ngón chân 4 là 11 – 15; mặt trên chân trước không có nốt sần, mặt trên chân sau có 0 – 8 nốt sần; cá thể đực có 17 – 21 lỗ trước hậu môn; có một mấu lồi ở gốc đuôi phía sau hậu môn; mặt trên đuôi có các nốt sần; vảy dưới đuôi phình rộng theo chiều ngang; phần trên đầu và thân màu xám nâu hoặc xám đen với bốn sọc ngang trên lưng. Loài tắc kè mới này sống bám trên vách đá hoặc các kẽ nhỏ ở vùng núi đá vôi, các loại thức ăn tìm thấy trong dạ dày của chúng là nhện, dế, ong và mối.

Hiện nay đã ghi nhận có 12 loài thuộc giống tắc kè ở Việt Nam. Điều đáng lưu ý là mặc dù vùng núi đá vôi ở huyện Hạ Lang và Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) không phải là khu bảo tồn thiên nhiên nhưng lại có giá trị cao về đa dạng sinh học. Nhóm nghiên cứu của viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật đã phát hiện tới ba loài mới ở khu vực này trong hai năm qua, gồm: rắn khiếm na-gao (Oligodon nagao), nhái cây wa-za (Gracixalus waza) và loài tắc kè adlơ kể trên.

Theo SGTT
  • 1.963