Giống như Thung lũng Chết của Nam Cực, hay vùng sâu nhất của đại dương dưới đáy vực Mariana, hồ Mono tại bang California (Hoa Kỳ) cũng là một nơi không hề lý tưởng cho sự sống, thậm chí được xem là vùng đất chết đối với đa số sinh vật. Do nước hồ có hàm lượng muối thuộc vào dạng cực mặn nên ngoại trừ vi khuẩn và tảo, chỉ có đúng 1 loài tôm tồn tại được ở đây thôi.
Hồ Mono cực mặn ở Hoa Kỳ.
Nhưng khi đào sâu nghiên cứu, các nhà khoa học từ Viện công nghệ California mới nhận thấy bên trong nước hồ có chứa nhiều điểm thú vị hơn con người tưởng. Mới đây, họ đã tìm ra 8 loài giun siêu nhỏ trong và xung quanh hồ. Đặc biệt, một trong số đó gây bất ngờ cực mạnh.
Nó được đặt tên là Auanema sp. - một sinh vật thuộc họ tuyến trùng. Lý do nó được chú ý là bởi sinh vật này sở hữu không chỉ 1 hoặc 2 giới tính (đơn tính và lưỡng tính), mà có tới... 3 giới tính khác nhau. Chưa kể, chúng còn sống rất dai khi tồn tại được trong môi trường nhiễm arsen cao hơn nồng độ chịu đựng của con người tới 500 lần.
Thông thường ở các loài tuyến trùng, giới tính với chúng rất đơn giản: được chia thành những loài lưỡng tính, hoặc con đực. Nhưng với Auanema sp., chúng còn có cả giới tính cái, nên còn được gọi là loài "tam tính". Đặc biệt hơn, những con giun có giới tính đực và cái dường như bị hấp dẫn bởi nhau.
Loài giun mới có khả năng sinh nở, thay vì chỉ nhân bản.
Với phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng loài giun mới có khả năng sinh nở, thay vì chỉ nhân bản - một điều chưa từng có đối với họ tuyến trùng.
Theo các chuyên gia, đây là một loài giun đặc biệt và nơi nó sống cũng hết sức đặc biệt, và điều này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng của nó. Nhóm nghiên cứu cho rằng cơ chế sinh sản của chúng là một phần nguyên do giúp chúng tồn tại trong môi trường có nồng độ muối cao đến chết người như hồ Mono.
"Nghiên cứu này cho thấy chúng ta còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về các loài vật sống trong môi trường khắc nghiệt" - Pei-Yin Shih, tác giả nghiên cứu cho biết.
Khi so sánh với 2 loài tuyến trùng cùng họ khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy 2 loài kia cũng có khả năng kháng arsen trong nước ở mức độ cao. Vấn đề nằm ở chỗ môi trường sống của chúng không đến mức nhiều arsen như vậy, và điều này khiến mọi chuyện trở nên khó hiểu.
ADN của vi sinh vật trong hồ cũng kháng lại arsen.
"Các loài Auanema trước kia sống tách biệt trong các mảnh đất màu mỡ với hàm lượng phosphate cao. Vì arsen thường bị hấp thụ kèm với phosphate, nên có lẽ nồng độ phosphate cao cũng làm tăng khả năng kháng arsen của động vật" - các chuyên gia đặt giả thuyết.
Được biết, hồ Mono có độ mặn nồng độ pH còn cao hơn cả một chất kiềm mạnh như baking soda. Vậy mà ở đó vẫn tồn tại sinh vật sống, thậm chí là sinh sôi mạnh như tuyến trùng.
Trên thế giới có khoảng 57 triệu loài giun tương tự như vậy.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.