Những mảnh nhựa siêu nhỏ đã được tìm thấy trong các lõi băng được khoan ở Bắc Cực, cho thấy sự ô nhiễm ngày càng tăng đối với sinh vật biển ở cả vùng nước xa xôi nhất hành tinh.
Các nhà nghiên cứu sử dụng máy bay trực thăng để hạ cánh trên các tảng băng và lấy mẫu trong chuyến thám hiểm tàu phá băng kéo dài 18 ngày qua Hành lang Tây Bắc, tuyến đường nguy hiểm nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
"Chúng tôi đã dành nhiều tuần tìm kiếm băng biển trắng cổ xưa nổi giữa đại dương", Jacob Strock, nhà nghiên cứu tại Đại học Rhode Island, người thực hiện phân tích ban đầu về các lõi, nói với Reuters.
Nhựa siêu nhỏ được tìm thấy trong các mẫu lõi băng lấy từ Hành lang Tây Bắc trong chuyến thám hiểm tàu phá băng kéo dài 18 ngày vào tháng 7 và tháng 8. (Ảnh: Reuters).
"Khi nhìn gần vào nó, chúng tôi phát hiện những chất bẩn có thể nhìn thấy được với công cụ phù hợp. Chúng tôi thấy khá bất ngờ", Strock cho biết.
Strock và các đồng nghiệp tìm thấy vật liệu bị mắc kẹt trong băng lấy từ Lancaster Sound, một dải nước bị cô lập ở Bắc Cực thuộc Canada, nơi mà họ cho rằng có thể được che chở tương đối khỏi ô nhiễm nhựa trôi.
Nhóm nghiên cứu đã rút ra 18 lõi băng dài tới 2 mét từ bốn địa điểm và phát hiện các hạt nhựa và sợi có thể nhìn thấy được với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Sự hoảng hốt của các nhà khoa học gợi nhớ đến sự phẫn nộ của các nhà thám hiểm khi họ tìm thấy chất thải nhựa ở Rãnh Marianas của Thái Bình Dương, nơi sâu nhất trên Trái Đất, trong quá trình lặn dưới biển vào đầu năm nay.
Dự án Hành lang Tây Bắc chủ yếu tập trung vào việc điều tra tác động của biến đổi khí hậu nhân tạo đến Bắc Cực, với vai trò là hệ thống làm mát của hành tinh, nơi đang bị đe dọa bởi sự biến mất nhanh chóng của băng biển mùa hè.
Các mảnh nhựa - được gọi là microplastic - cũng cho thấy vấn đề chất thải đã đạt đến mức kinh hoàng như thế nào. Liên Hợp Quốc ước tính 100 triệu tấn nhựa đã được đổ xuống các đại dương cho đến nay.